“Quyền im lặng” nên đưa vào Luật

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 17/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa...

Kinhtedothi - Ngày 17/6, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về Dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Trong đó, nhiều ĐB tán thành với nguyên tắc buộc ghi âm, ghi hình khi hỏi cung, cụ thể hóa “quyền im lặng” để tránh dẫn đến việc bức cung, oan sai trong quá trình điều tra.

Bức cung, nhục hình dễ dẫn đến oan sai

Đồng tình với quy định bị can, bị cáo, nghi phạm được tự do trình bày lời khai, trình bày ý kiến, không buộc phải đưa ra lời khai chống lại mình, hoặc buộc phải nhận mình có tội, ĐB Nguyễn Thái Học (đoàn Phú Yên) cho rằng: Cần xác định người bị lấy lời khai vẫn hoàn toàn là người tự do, có đầy đủ quyền con người, quyền công dân. Do đó, quy định về quyền tự do khai báo là để tránh ép cung, mớm cung, truy bức buộc phải nhận tội. Quy định này cũng để khắc phục tâm lý chủ quan, quy chụp của điều tra viên.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học(đoàn Phú Yên) phát biểu ý kiến. 	Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thái Học(đoàn Phú Yên) phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
ĐB Phạm Huy Hùng (đoàn Hà Nội) ủng hộ việc cụ thể hóa "quyền im lặng". Quyền im lặng là được quyền không khai báo cho đến khi có mặt của người bào chữa, trừ trường hợp tự nguyện khai báo. ĐB đề nghị cần bổ sung vào Dự thảo Bộ luật quy định rõ ràng hơn là "người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ luật sư hoặc người khác bào chữa". ĐB Lê Thị Nga (đoàn Thái Nguyên) cũng đồng tình với việc cần có quy định này để giảm tối đa oan, sai. "Nếu bỏ lọt tội phạm chỉ sai một lần thì làm oan đã nhân đôi số lần sai vì đã bao hàm cả bỏ lọt tội phạm. Việc dùng mọi biện pháp (kể cả vũ lực) buộc nghi can phải khai nhận tội mà mình không thực hiện, sau đó hợp thức hóa, ngụy tạo chứng cứ khác cho phù hợp với diễn biến lời nhận tội, rồi lấy đó làm chứng cứ để buộc tội trước tòa - đây là nguyên nhân gốc rễ của những vụ án oan chấn động dư luận vừa qua" - ĐB phân tích.
Cuối giờ chiều, Quốc hội đã họp riêng, nghe Trưởng ban Công tác ĐB của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trình bày tờ trình đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách ĐB Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga (đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội). Sau đó, các ĐB thảo luận về vấn đề này. Dự kiến, chiều 18/6, Quốc hội sẽ họp riêng, bỏ phiếu bãi nhiệm và thông qua Nghị quyết về việc bãi nhiệm tư cách ĐB Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga.

ĐB Trần Ngọc Vinh (đoàn Hải Phòng) cũng lập luận: "Quyền im lặng" đã được cả thế giới ghi nhận, bởi lẽ, khi nghi can rơi vào vòng tố tụng, họ phải đối mặt với bộ máy điều tra có đầy đủ phương tiện, thiết bị hiện đại, có kiến thức chuyên sâu về pháp lý hình sự và kỹ năng thẩm vấn. Người đó thậm chí phải đối mặt với nguy cơ sẽ bị sử dụng bạo lực, bức cung, nhục hình, nghĩa là luôn ở thế yếu trong tố tụng hình sự, ít hiểu biết về pháp luật, nhất là khi đã bị tạm giam, tạm giữ cách ly khỏi xã hội. "Đã bức cung, nhục hình tất yếu dẫn đến oan sai. Do vậy, việc quy định rõ về quyền im lặng buộc các cán bộ tố tụng phải thay đổi tư duy trong cách giải quyết vụ án. Điều này sẽ làm cho hoạt động của các cơ quan tố tụng tích cực hơn, khách quan hơn và toàn diện hơn" - ĐB nêu ý kiến.

100% các cuộc hỏi cung phải ghi âm, ghi hình

Bắt buộc ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là một quy định rất mới của Dự thảo Bộ luật, nhằm bảo đảm tính khách quan, hạn chế bức cung, nhục hình trong quá trình điều tra. Quy định này được đa số ý kiến ĐB Quốc hội ủng hộ. Vấn đề băn khoăn ở đây là nguồn kinh phí để có thể trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả các cuộc hỏi cung. Nhiều ĐB đề nghị: Bảo vệ được quyền con người thì có tốn kinh phí cũng phải xem xét. ĐB Vũ Xuân Trường (đoàn Nam Định) lý giải: Ý kiến đề xuất chỉ những trường hợp cần thiết mới tiến hành ghi âm, ghi hình hỏi cung là không hợp lý, vì về mặt trang thiết bị và đầu tư cơ sở vật chất là như nhau, bởi vì ghi nhiều hay ghi ít thì cũng đều phải có máy móc như nhau. Đây lại là công cụ bảo vệ chính cơ quan điều tra trong những trường hợp bị bị can, bị cáo phản cung, bị "tố" là đánh người, ép cung, mớm cung vì xem lại băng ghi âm, ghi hình là "minh oan" được ngay.

ĐB Nguyễn Trọng Trường (đoàn Bắc Ninh) cũng cho rằng, chỉ ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung đối với các tội và hình phạt tù chung thân và tử hình là không phù hợp, vì trên thực tế việc bức cung, nhục hình để xảy ra oan sai không chỉ xảy ra đối với các tội phạm đặc biệt nghiêm trọng mà còn xảy ra đối với mọi loại tội phạm. Một số ĐB khác cũng nêu quan điểm, một nền tư pháp vì con người thì không tránh khỏi tốn kém và tốn kém cũng phải làm, vì nó liên quan trực tiếp đến sinh mệnh của con người. Do đó, nên quy định vào Luật bắt buộc ghi âm, ghi hình 100% các cuộc hỏi cung để tránh việc áp dụng tùy tiện quy định.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần