Người tiêu dùng thiệt đơn, thiệt kép
Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia số hàng đầu khu vực với mong muốn đưa kinh tế số chiếm 20% GDP vào năm 2025. Để hiện thực hóa mục tiêu này, ngành thương mại điện tử giữ vai trò vô cùng quan trọng.
Không phủ nhận thương mại điện tử giúp người tiêu dùng mua bán nhanh chóng, dễ dàng, thuận lợi hơn song người tiêu dùng cũng phải đối mặt với nhiều rủi ro hơn. Có thể kể đến những rủi ro như: Bị lợi dụng thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản; bị lừa đảo, hoặc mua phải hàng giả, hàng nhái; bị từ chối, kéo dài thời gian giải quyết khi có khiếu nại…
Nổi cộm nhất là tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng trên môi trường mạng thời gian qua xảy ra tăng rõ rệt. Các hình thức vi phạm chủ yếu liên quan đến buôn bán các mặt hàng trên mạng không đúng như quảng cáo, các đối tượng thường lợi dụng hình ảnh, đoạn video của chính hãng để quảng cáo.
Tuy nhiên, khi hàng hóa đến tay người tiêu dùng lại khác hoặc không đúng như quảng cáo, cũng có khi là sản phẩm kém chất lượng, sản phẩm đã được sửa chữa, qua thời gian trưng bày, sử dụng…
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, trong năm 2022, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đã phối hợp với Tổng cục Quản lý thị trường gỡ bỏ 1.663 gian hàng với 6.437 sản phẩm vi phạm; chặn 5 website có dấu hiệu lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng nhái và hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ. Tổng mức xử phạt cho các hành vi gian lận thương mại điện tử là 222 triệu đồng.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo trong 2 - 3 năm tới, tỷ lệ gian lận trên thương mại điện tử sẽ chiếm 50 - 60% so với tổng thể các hình thức gian lận thương mại nói chung. Trong khi đó, Luật Bảo vệ Người tiêu dùng 2010 đang thiếu vắng những quy định phù hợp với những mô hình kinh doanh có yếu tố mới, trong điều kiện chuyển đổi số. Nhiều hành vi xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng mới xuất hiện nhưng chưa được điều chỉnh.
Xử lý nghiêm hành vi gian lận, trục lợi
Năm 2022, Bộ Công Thương đã xây dựng và trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến đối với Dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) để phù hợp hơn với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, thực tế phát triển của xã hội.
Dự thảo lần này đã bổ sung một chương mới quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch đặc thù. Theo đó, giao dịch từ xa bao gồm giao dịch được thực hiện trên không gian mạng là 1 trong 3 loại hình quan trọng thuộc giao dịch đặc thù.
Điểm đáng lưu ý, Dự thảo đã bổ sung các quy định cụ thể về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh trên không gian mạng, trong đó tập trung quy định rõ trách nhiệm của các chủ thể như “Tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ thông qua hệ thống thông tin tự mình thiết lập hoặc thông qua các nền tảng số” và “Tổ chức thiết lập, vận hành nền tảng số”.
Dự thảo cũng đã đưa ra các quy định cấm đối với tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết lập, vận hành, cung cấp dịch vụ nền tảng số như: Cấm ép buộc hoặc ngăn cản người tiêu dùng đăng ký sử dụng hoặc sử dụng nền tảng số trung gian khác như điều kiện bắt buộc để sử dụng dịch vụ; cấm sử dụng các biện pháp ngăn hiển thị hoặc hiển thị không trung thực kết quả phản hồi, đánh giá của người tiêu dùng về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Nêu quan điểm về vấn đề này, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Trịnh Xuân An cho rằng: Nếu không xử lý được các khiếu nại, đặc biệt là các hành vi gian lận trên không gian mạng thì rất khó để bảo vệ tốt quyền lợi người tiêu dùng.
Xu hướng hiện nay là ngày càng gia tăng thị phần của thương mại điện tử. Vì vậy, nếu không có chính sách cụ thể để xử lý các gian lận, hành vi trục lợi gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng thì sẽ là thiếu sót và gây hệ lụy rất lớn cho xã hội.
“Phải có các biện pháp cả về kỹ thuật và hành chính để thể hiện rõ hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng để xử lý các vấn đề mới phát sinh khi phát triển kinh doanh trên nền tảng số” - ông Trịnh Xuân An nhấn mạnh.
Việc thiết kế, xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ người tiêu dùng (sửa đổi) muốn bảo đảm tính khả thi đòi hỏi cần phải tiếp tục tổng kết, đánh giá từ thực tiễn của Việt Nam, chắt lọc bài học kinh nghiệm của quốc tế để đưa ra được những quy định phù hợp, vừa giải quyết các vấn đề cấp bách vừa bảo đảm tính bền vững, lâu dài.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Tạ Đình Thi