Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Quyết định 29/2014/QĐ-TTg về tín dụng đối với người nhiễm HIV, người sau cai nghiện ma túy, người điều trị thay thế, người bán dâm, do Bộ LĐTB&XH và Ngân hàng Chính sách xã hội tổ chức hôm nay (19/1).
Phó Cục trưởng Cục Phòng chống tệ nạn xã hội, Bộ LĐTB&XH Lê Đức Hiền cho biết, từ tháng 7/2016 đến hết tháng 12/2017, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội 15 tỉnh, TP đã giải ngân cho 504 cá nhân, hộ gia đình vay hơn 12,883 tỉ đồng.
Các đại biểu khẳng định Quyết định 29 đã đi vào cuộc sống |
Trong đó, số khách hàng chủ yếu là hộ gia đình người sau cai nghiện ma túy với 246 hồ sơ (48,8%); tiếp đến là cá nhân, hộ gia đình người điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế 150 hồ sơ (29,76%); cá nhân, hộ gia đình người nhiễm HIV 84 hồ sơ. Và chỉ có 21 hồ sơ vay vốn của cá nhân, hộ gia đình người bán dâm hoàn lương.
“Tất cả cá nhân, hộ gia đình đều sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả lãi hàng tháng đúng quy định”- ông Lê Đức Hiền nhận định và dẫn chứng: Đến nay, trong số 504 khách hàng vay vốn, có 44 hộ gia đình và cá nhân đã hoàn trả; chưa có trưường hợp này trả vốn và lãi quá thời hạn. Đến ngày 3/12/2017, số tiền dư nợ là 11,218 tỷ đồng, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đạt 49,46%.
Ông Hiền chỉ ra nguyên nhân thực hiện đạt chỉ tiêu thấp là do một số tỉnh, TP khi khảo sát và tổng hợp nhu cầu vay vốn, chưa tính đến những trường hợp có nhu cầu nhưng không đủ điều kiện vay theo quy định để có kế hoạch đề xuất cấp vốn phù hợp với thực tế.
Mặc dù tỉ lệ hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch chung của các tỉnh, TP mới đạt 46,49% với số tiền cho vay gần 13 tỷ đồng, nhưng theo Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Nguyễn Văn Lý: Qua xem xét, số vốn vay đã cho đúng đối tượng quy định, sử dụng vốn vay đúng mục đích như: Chăn nuôi, trồng cây, mở cửa hàng tạp hoá, mua sắm phương tiện và trang thiết bị để kinh doanh buôn bán nhỏ, bán cơm, chạy xe ôm, cắt tóc…
Kết quả bước đầu của chính sách vay vốn đã có tác động tích cực đến công tác phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS, ma túy, mại dâm. Và, giúp những nhóm đối tượng này tạo việc làm, có thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống, lấy lại được niềm tin của gia đình và cộng đồng.
Nhiều người trong số đó, tích cực tham gia các hoạt động tại địa phương, tuyên truyền và vận động những người cùng cảnh ngộ phấn đấu vươn lên… giảm tỉ lệ tái nghiện, tái phạm và góp phần đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại địa bàn, cơ sở.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai trong thời gian 1,5 năm, đã bộc lộ những khó khăn, hạn chế. Mặc dù, công tác tuyên truyền, phổ biến tuy đã được quan tâm, thực hiện từ Trung ương đến cơ sở, nhưng vẫn có nhiều người, đặc biệt là cá nhân và hộ gia đình thuộc đối tượng vay vốn chưa biết đến chính sách này. Nhất là cá nhân, hộ gia đình ở vùng sâu, vùng xa, dân tộc, miền núi.
Không chỉ thế, một số nơi chưa thật sự tin tưởng người vay nên trong quá trình xác nhận, bình xét cho đối tượng yếu thế vay, ít nhiều vẫn e ngại, không tạo điều kiện cho người vay.
Bản thân người yếu thế cũng như gia đình họ còn nhiều mặc cảm, tự tin không công khai tình trạng của bản thân, đặc biệt là đối tượng bán dâm hoàn lương và nhiễm HIV. Trong khi đó, quy định bắt buộc là người vay phải được chính quyền cấp xã, tổ chức chính trị xã hội xác nhận đúng đối tượng của Quyết định 29/2014/QĐ-TTG nên nhiều người có nhu cầu vay vốn vẫn e dè, không làm thủ tục.
Tại hội nghị nhiều đại biểu đề nghị kéo dài thêm thời gian thực hiện thí điểm. Đồng thời kiến nghị với Trung ương tăng mức vốn vay cho phù hợp với mức cho vay hộ nghèo hiện nay. Cụ thể là 30 triệu đồng đối với cá nhân và 50 triệu đồng với hộ gia đình.
Song song với đó là thí điểm việc đơn giản hóa thủ tục cho vay, nhất là đối với những người nhiễm HIV và bán dâm hoàn lương; mở rộng mục đích cho vay vốn, tạo điều kiện cho nhiều người yếu thế tiếp cận với nguồn vốn từ ngân sách nhà nước. Và, tổ chức dạy nghề cho những người yếu thế để việc sử dụng đồng vốn vay có hiệu quả và sinh lời nhiều hơn.