Quyết định đổi tên di sản lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Bộ VHTT&DL vừa ra quyết định số 2705/QĐ-BVHTTDL về việc đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến thành “lễ giỗ bà Phi Yến”, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Việc đổi tên di sản nhằm tránh gây hiểu lầm về một nhân vật trong lịch sử.

Trước đó Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam (con cháu vua triều Nguyễn) cho rằng thứ phi vua Gia Long chỉ là nhân vật hư cấu, không đúng với lịch sử. Chính vì vậy, ngày 26/4, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam gửi văn bản đến Thủ tướng, đề nghị thu hồi quyết định công nhận di sản văn hóa phi vật thể quốc gia với lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến ở huyện Côn Đảo. 

Tượng Bà Phi Yến trong điện chính miếu An Sơn. Ảnh: phongnhaexplorer
Tượng Bà Phi Yến trong điện chính miếu An Sơn. Ảnh: phongnhaexplorer

Theo hồ sơ di sản do tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây dựng trước đó, bà Phi Yến tên thật là Lê Thị Răm, thứ phi chúa Nguyễn Ánh (sau là hoàng đế Gia Long), hiện thờ tại An Sơn Miếu. Năm 1783, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn truy đuổi, chạy ra Côn Đảo, bà Phi Yến chạy theo. Vì ngăn Nguyễn Ánh cầu viện Pháp, bà bị chồng giam giữ trong hang đá trên đảo hoang. Con trai bà Phi Yến và chúa Nguyễn Ánh là hoàng tử Hội An (hoàng tử Cải) khóc đòi mẹ, bị chúa ném xuống biển, thi thể trôi vào làng Cỏ Ống, được dân làng mang chôn và lập miếu thờ.

Vẫn theo hồ sơ di sản, năm 1785, bà Phi Yến được dân làng rước về, do bị xâm phạm danh tiết nên tự vẫn ngày 18/10/1785 âm lịch. Để tỏ lòng thương tiếc, dân làng xây ngôi miếu thờ bà. Năm 1861, Pháp chiếm Côn Đảo, ngôi miếu hư hỏng, sụp đổ. Đến năm 1958, Trưởng ty ngân khố tỉnh Côn Sơn cho xây lại ngôi miếu nhỏ trên nền ngôi miếu xưa, thờ bà Phi Yến, đặt tên An Sơn Miếu. Ngày 17-18/10 âm lịch hàng năm, dân làng An Hải tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến.

Hồi đầu năm 2022, Bộ VHTT&DL đã công nhận lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ngay sau Quyết định công nhận này, Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam gửi văn bản đến Thủ tướng, đề nghị thu hồi quyết định này. Hội đồng khẳng định “thứ phi Hoàng Phi Yến chỉ là nhân vật hư cấu”. Nguyễn Phúc tộc thế phả và Đại Nam liệt truyệnkhông ghi chép ai là thứ phi vua Gia Long tên Lê Thị Răm, tên thụy Phi Yến. Gia phả hoàng tộc không ghi chép tên hoàng tử Cải là con vua Gia Long. Kết quả khảo cứu sử sách triều Nguyễn cho thấy, chúa Nguyễn Ánh chưa từng đến Côn Đảo.

Cuối tháng 5/2022, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ VHTT&DL phối hợp với Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cùng xem xét, xử lý kiến nghị của Hội đồng Nguyễn Phúc tộc Việt Nam.

Hồi tháng 6/2022, Bộ VHTT&DL cũng đã đề nghị tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến để tránh hiểu nhầm về một nhân vật lịch sử, hoặc gây xung đột giữa các cộng đồng trong khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Địa phương cũng cần lược bỏ các yếu tố mới, không xác thực về lịch sử. Nội dung quảng bá di tích lịch sử - văn hóa An Sơn miếu, địa điểm tổ chức lễ giỗ bà Phi Yến hàng năm, cũng cần điều chỉnh.

Và đến ngày 28/10, Bộ Trưởng Bộ VHTT&DL Nguyễn Văn Hùng đã ra Quyết định đổi tên di sản quốc gia lễ giỗ bà thứ phi Hoàng Phi Yến thành “lễ giỗ bà Phi Yến”, tại huyện Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Theo quan điểm của Bộ VHTT&DL lễ giỗ bà Phi Yến có các giá trị đáp ứng tiêu chí của di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Việc ghi danh nhằm ghi nhận những giá trị sáng tạo văn hóa tinh thần của cộng đồng; khuyến khích, nâng cao ý thức trong thực hành, trao truyền di sản văn hóa, giữ gìn bản sắc văn hóa của chính cộng đồng.

Việc này cũng nhằm ghi nhận một lễ hội - thực hành tín ngưỡng của người dân được pháp luật bảo hộ, hoàn toàn không mang ý nghĩa vinh danh hay công nhận một nhân vật hoặc một sự kiện lịch sử.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần