Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết định kịp thời và hợp lý

An Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 5/12, Sở GD&ĐT Hà Nội đã có văn bản điều chỉnh việc tổ chức dạy học trực tiếp đối với học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã TP. Theo đó, học sinh lớp 12 sẽ học trực tiếp kết hợp trực tuyến; học sinh lớp 10, 11 tiếp tục học trực tuyến.

Học sinh trường THCS Mai Đình, huyện Sóc Sơn phấn khởi vì được đến trường sáng 22/11. Ảnh: Nam Du
Trước đó, ngày 3/12, Sở GD&ĐT Hà Nội có Công văn 4156/SGDĐT-CTTT yêu cầu tổ chức dạy học trực tiếp từ ngày 6/12 cho học sinh các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn các quận, huyện, thị xã thuộc TP. Theo đó, các trường sớm tổ chức cho học sinh nằm trong khu vực có mức độ dịch ở cấp độ 1, cấp độ 2 đi học trực tiếp. Hủy bỏ quy định “trong 14 ngày tính đến thời điểm ngày 30/11/2021 không có các ca F0 trong cộng đồng”, chỉ còn những học sinh cư trú tại địa bàn mức độ dịch ở cấp độ 3, cấp độ 4 học trực tuyến. Điều này khiến cho lãnh đạo các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đứng ngồi không yên. Nhà trường, hội cha mẹ học sinh phải chạy đua với thời gian trong 2 ngày nghỉ cuối tuần qua để triển khai quyết định này.
Nhiều trường lập đã tổ chức trưng cầu ý kiến phụ huynh, theo đó có 4 phương án. Phương án 1: Đi học sau khi tiêm mũi 2; phương án 2: Cho các con nghỉ thêm một tuần (để bảo đảm tiêm mũi 1 đủ 14 ngày); phương án 3: Đi học bắt đầu từ học kỳ 2, phương án 4 : Đồng ý đi học từ 6/12. Không khó để biết, bên cạnh niềm vui của các con khi biết tin được đến trường, nhiều phụ huynh vô cùng lo lắng khi các ca F0 trong cộng đồng Hà Nội vẫn tăng chóng mặt. Đa số các phụ huynh ủng hộ quyết định sớm đưa học sinh đến trường nhưng bỏ phiếu cho phương án 1. Hiệu trưởng các trường THPT, nhất là các quận nội thành đều cho rằng với sĩ số học sinh như hiện tại, việc thực hiện đúng quy định 5K của Bộ Y tế là điều bất khả thi nên cần thận trọng khi chưa tiêm đủ 2 mũi.

Đặc biệt, ban giám hiệu của 10 trường THPT đóng quân trên địa bàn quận Đống Đa, điểm nóng của dịch Covid-19 hiện nay thì mất ăn, mất ngủ từ khi nhận văn bản. Không ít phụ huynh khi biết tin ngõ Quan Thổ (đường Tôn Đức Thắng) đang trong tình trạng “báo động đỏ” đã đăng đàn các mạng xã hội bày tỏ quan ngại lớn khi đưa con em trở lại học vào thời điểm hiện nay.

Các trường THCS - THPT Lương Thế Vinh, trường Marie Curie, trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, trường THPT Chuyên Ngoại ngữ quyết định tiếp tục cho học sinh học online vì “theo kết quả khảo sát, đa số phụ huynh đều muốn các con tiếp tục học online ở nhà một thời gian nữa”. Các trường công lập khác, một mặt liên tiếp tổ chức các cuộc họp với đầy đủ các thành phần, gồm cả hội cha mẹ học sinh, mặt khác đã gửi công văn báo cáo khẩn cho Sở GD&ĐT. Hàng trăm “tổ Covid-19 lớp, trường” được thành lập với hàng chục giải pháp đồng hành cùng nhà trường, bao gồm cả tổ chức test nhanh hàng tuần cho các con, phương án bố trí bàn ghế, vách ngăn, đường đi, lối lại trong trường như thế nào cho hợp lý nhất.

Các trường THPT, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên 30 quận, huyện, thị xã Hà Nội không có ngày nghỉ cuối tuần. Đến khi Sở GD&ĐT thông báo điều chỉnh kế hoạch, theo đó chỉ học sinh lớp 12 các trường THPT, Trung tâm giáo dục – Trung tâm giáo dục nghề nghiệp đi học trực tiếp (tỷ lệ 50%), còn học sinh lớp 10 và 11 tiếp tục học trực tuyến thì mọi người mới được thở phào.

Một quyết định được đánh giá là kịp thời, đáp ứng được tâm tư nguyện vọng của đa số phụ huynh học sinh THPT, có người đã nhờ Tòa soạn Kinh tế & Đô thị chuyển đến Sở GD&ĐT Hà Nội lời cảm ơn sự lắng nghe, thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của cha mẹ học sinh.