Quyết làm nhưng có khả thi?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngay sau khi dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch được đem ra lấy ý kiến rộng rãi, trong giới làm nghề đã râm ran câu chuyện "quyết làm nhưng liệu có khả thi?".

Chỉ nên tuyên truyền

Không phải đến bây giờ, vấn đề cấm đốt vàng mã nơi tổ chức lễ hội, di tích lịch sử văn hóa mới được đưa vào khung hình phạt từ 1 - 3 triệu đồng. Cách đây hơn 2 năm, Chính phủ cũng đã ban hành riêng một Nghị định (số 75/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010) về việc cấm đốt vàng mã nơi công cộng.

Và trong Nghị định 105/2012/NĐ-CP quy định việc tang của cán bộ, công chức cũng lại một lần nữa nhấn mạnh "lệnh cấm" này. Tuy nhiên, không chỉ Nghị định 105 bị Bộ tư pháp "tuýt còi", mà gần 3 năm qua vấn đề thực thi Nghị định 75 cũng không thành hiện thực.

Vào mùa lễ hội, tiền vàng, đồ mã cháy ngun ngút trước cửa đền Bà Chúa Kho, chùa Phật Tích (Bắc Ninh), Phủ Giầy (Nam Định)… đã trở thành hình ảnh quen thuộc.
 
Quyết làm nhưng có khả thi? - Ảnh 1
 
Ảnh minh họa
 
Và đã nhiều năm, Bộ VHTT&DL cùng cơ quan quản lý văn hóa địa phương tổ chức những đoàn thanh tra để phát hiện và xử phạt những hành vi vi phạm. Tuy nhiên, ông Vũ Xuân Thành, Chánh Thanh tra Bộ VHTT&DL phải thừa nhận trong cuộc giao ban với các ban ngành về vấn đề tổ chức và quản lý lễ hội: "Chưa bao giờ ngành thanh tra văn hóa bắt hoặc xử phạt được đối tượng đốt vàng mã. Nếu có bắt thì đều là đối tượng chưa đủ tuổi vị thành niên, và là những người được thuê".

Thế nên, suốt 3 năm qua, khả năng thực thi của Nghị định mới chỉ nằm trên bàn giấy". Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: "Đốt vàng mã là việc người dân thực thi tín ngưỡng văn hóa của họ, vì thế chỉ nên tuyên truyền, vận động người dân đốt ít đi chứ không nên giải quyết bằng một sắc lệnh".

Bên cạnh dự kiến xử phạt hành động đốt vàng mã, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch còn đưa ra mức phạt 1 - 3 triệu đồng đối với hành vi bán rượu trong quán karaoke.

Tuy nhiên, quy định này cũng được nhiều người đặt câu hỏi liệu có khả thi khi mà 90% người dân Việt Nam đi hát karaoke có nhu cầu dùng bia rượu. Rất nhiều ý kiến góp ý đã được gửi đến Ban soạn thảo Nghị định với mong muốn đưa ra một Nghị định xử phạt hợp lý, thay thế Nghị định 75/2010/NĐ-CP đã lỗi thời, không còn đủ sức răn đe.

Những mức phạt khả thi

Dấu hiệu đáng mừng nhất của dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch lần này là sự quyết tâm chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Dự thảo không chỉ tăng mức tiền phạt từ 1 - 5 triệu đồng lên thành 20 - 30 triệu đồng cho hành vi biểu diễn, tổ chức biểu diễn có nội dung truyền bá tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong mỹ tục Việt Nam, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự nhân phẩm của cá nhân; mà còn đưa ra hình phạt bổ sung cấm diễn từ 6 tháng đến 2 năm cho những vi phạm này.

Sau khi xem xét dự thảo Nghị định, NSND Thanh Hoa hoàn toàn đồng tình với mức xử phạt mà ngành văn hóa đưa ra. Bởi theo bà: "Phạt bao nhiêu tiền với nghệ sĩ cũng sẽ là không thấm. Hình thức phạt cấm biểu diễn vừa đánh vào danh dự, lại vừa đánh vào bài toán kinh tế của họ. Chỉ cần một người bị cấm, hai người bị cấm diễn, sẽ chấm dứt tình trạng vi phạm tương tự".

Theo dự kiến, ngày 1/7/2013, sau khi lấy ý kiến, sửa đổi, bổ sung, Nghị định xử phạt vi phạm trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch sẽ có hiệu lực. Và như vậy, chỉ cần nửa năm nữa, những người quản lý văn hóa sẽ không còn phải bức xúc vì mức phạt cận khung 5 triệu đồng cho vi phạm hôn môi sư thầy của ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, hay hành động lộ hàng trên sàn diễn của người mẫu Hoàng Yến.