Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết liệt chặn thông tin xấu

Trang Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ Việt Nam không cấm phát ngôn hay nêu chính kiến trên mạng xã hội, mà chỉ đấu tranh để gỡ bỏ, ngăn chặn những thông tin sai sự thật, thông tin xúc phạm cá nhân, chia rẽ gây hằn thù dân tộc để trả lại môi trường văn hóa lành mạnh cho người dùng internet.

Quan điểm nhất quán này được Bộ trưởng Bộ TT&TT Trương Minh Tuấn nhắc lại nhiều lần trong các cuộc làm việc với đại diện Google, Facebook và cả Đại sứ Mỹ tại Việt Nam.
Không riêng Việt Nam mà Chính phủ và DN nhiều nước trên thế giới như Mỹ, Đức, Anh, Pháp… cũng lên tiếng mạnh mẽ để ngăn chặn, tẩy chay các trang mạng xã hội đăng tải thông tin xấu, vi phạm nhân quyền, tuyên truyền chủ nghĩa cực đoan… Tại hội nghị giao ban tháng 4 của Bộ TT&TT tổ chức sáng 3/5, Bộ trưởng Bộ TT&TT đã yêu cầu các đơn vị liên quan tăng cường trao đổi, làm việc với các nhà cung cấp nước ngoài như Facebook, Google, các DN dịch vụ mạng xã hội khác góp phần làm lành mạnh hóa môi trường thông tin trên mạng.

Điều này cho thấy, quan điểm quản lý của Việt Nam là phù hợp với xu thế phát triển của các quốc gia tiến bộ. Chúng ta cho phép tự do ngôn luận nhưng không có nghĩa là được tự do xúc phạm danh dự nhân phẩm người khác, tự do ngôn luận không có nghĩa là được xuyên tạc, bóp méo sự thật, tự do mạo danh người khác trên mạng xã hội, tự do đưa hình ảnh dung tục, khiêu dâm, kích động chiến tranh, hằn thù dân tộc…

Sự lên tiếng mạnh mẽ, quyết liệt của cơ quan quản lý và cộng đồng đã gây được áp lực mạnh mẽ đối với các trang mạng xã hội này. Không chỉ xin lỗi người dùng, họ đã phải chủ động gỡ bỏ các nội dung thông tin xấu, độc hại. Riêng tại Việt Nam, tính đến nay, Google đã hạ gần hết số link có nội dung xấu mà Bộ TT&TT yêu cầu và sẽ tiếp tục xem xét gỡ bỏ các link theo yêu cầu của Bộ TT&TT. Về phía Facebook, sau cuộc làm việc giữa Bộ trưởng Trương Minh Tuấn và lãnh đạo cấp cao của Facebook là bà Monika Bickert - Giám đốc chính sách nội dung toàn cầu, trang mạng xã hội lớn nhất thế giới này cũng đã cam kết sẽ xem xét và đối chiếu với tiêu chuẩn của Facebook để xử lý hơn 4.000 đường link do Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử (Bộ TT&TT) yêu cầu gỡ hoặc chặn không cho truy cập ở Việt Nam. Riêng đối với những tài khoản Facebook giả danh lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Facebook sẽ xử lý và hạ ngay trong tuần này.

Có thể xem đây là kết quả bước đầu của việc chúng ta kiên quyết đấu tranh ngăn chặn thông tin sai sự thật trên mạng xã hội, để lành mạnh hóa môi trường thông tin trên mạng, tăng cường quản lý thông tin trên mạng xã hội thì cần có thêm nhiều hơn nữa sự phối hợp chặt chẽ giữa Bộ TT&TT với các bộ ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ VHTT&DL và các cơ quan chức năng địa phương. Chúng ta cần có một cơ chế phối hợp chặt chẽ để hình thành các bộ lọc kịp thời ngăn chặn chia sẻ khi phát hiện thông tin xấu xuất hiện trên mạng internet. Và thêm nữa là việc kiểm soát thông tin xấu trên mạng cần có sự hợp tác tích cực hơn nữa từ phía các tổ chức, DN nước ngoài (Google, Facebook…). Những DN này không thể dửng dưng hay phản ứng chậm trễ trước những thông tin sai lệch, thông tin xấu đăng tải trên chính trang mạng xã hội do họ quản lý nếu còn muốn phát triển lâu dài tại các quốc gia, không riêng ở Việt Nam.