Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chính phủ đang tập trung quyết liệt mọi giải pháp để đẩy nhanh đầu tư công, từ đó dẫn dắt DN phát triển sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế – xã hội.

Biện pháp mạnh

7 tháng năm 2022, giải ngân vốn đầu tư công của cả nước mới đạt hơn 34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao năm 2022, giảm nhẹ so với cùng kỳ năm trước (36,7%). Trong đó, vốn trong nước đạt 36,02% (cùng kỳ năm 2021 đạt 40,38%), vốn nước ngoài đạt 11,90% (cùng kỳ năm 2021 đạt 7,52%). Mức giải ngân vốn đầu tư công rất thấp chưa tạo động lực dẫn dắt, thúc đẩy kích cầu đầu tư xã hội và phát triển kinh tế.

Ảnh minh hoạ

Ảnh minh hoạ

Có một cơ quan trung ương và 11 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 50%, còn 41/51 bộ, cơ quan trung ương và 18/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới mức trung bình của cả nước. Đặc biệt, 17 bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân dưới 10% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn là 0%.

Xác định giải ngân vốn đầu tư công là nhiệm vụ quan trọng, ngay từ đầu năm, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều nghị quyết, công điện, văn bản chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công: Tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc; thành lập 6 tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ để kiểm tra, đôn đốc công tác thực hiện và giải ngân.

Qua làm việc với các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, có 21 loại tồn tại, khó khăn vướng mắc, thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau. Trong đó, phân thành 3 nhóm chính, gồm nhóm nội dung liên quan đến thể chế, chính sách; nhóm nội dung liên quan đến tổ chức triển khai thực hiện; nhóm khó khăn mang tính đặc thù của năm 2022.

“Lý do chậm giải ngân vốn đầu tư công chủ yếu do khâu tổ chức thực hiện. Với các địa phương, họ cho rằng khó khăn nhất là giải phóng mặt bằng. Ngoài ra, giá nguyên, nhiên liệu tăng, gây khó khăn cho đơn vị thi công, ảnh hưởng tới tiến độ triển khai gói thầu, nhà thầu thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh giá từ nhà nước” - báo cáo của Bộ KH&ĐT cho biết.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trường hợp không giải ngân được, các bộ, ngành, địa phương nhanh chóng rà soát, đề xuất điều chuyển kế hoạch vốn cho bộ, cơ quan, địa phương khác đang cần vốn để triển khai, không thể lãng phí. “Các bộ, ngành chủ trì chương trình tổng hợp, công khai tiến độ giải ngân vốn đầu tư công của từng bộ, ngành trên phương tiện thông tin đại chúng để toàn dân được biết” - Thủ tướng kiên quyết.

Nhấn mạnh tinh thần không thể làm khối lượng việc lớn bằng tư duy cũ, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ ban hành một nghị quyết về vấn đề này trên cơ sở báo cáo của Bộ KH&ĐT, đồng thời tháng sau, Chính phủ sẽ tiếp tục kiểm tra, rà soát công tác này. Cùng đó, các kinh nghiệm, biện pháp từ địa phương làm tốt cần được cầu thị, học hỏi từ khâu chuẩn bị, sẵn sàng nguyên vật liệu, thanh tra, giám sát…

Phấn đấu giải ngân toàn bộ vốn đầu tư công trước ngày 31/12

Kinh nghiệm chung rút ra từ các tỉnh, TP, bộ, ngành có tỷ lệ giải ngân cao là xây dựng kế hoạch, phân công cụ thể; đầu tư công có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải và phát huy trách nhiệm người đứng đầu, tổ chức công việc, giám sát, kiểm tra, đôn đốc hiệu quả.

Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, mỗi dự án đều được xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân trong 1 năm, phân công cho các thứ trưởng và có sự kiểm tra, rà soát tiến độ hàng tuần, hàng tháng. Ông Nguyễn Văn Thể nhấn mạnh đến sự cương quyết trong quá trình thực hiện, như “không thay thế ban quản lý dự án, nhưng kiên quyết điều chuyển cán bộ, kiên quyết với nhà thầu”; “phải đi thực tế, phải đi trực tiếp công trường thì mới tháo gỡ vướng mắc”.

Cũng quyết liệt thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, tại Quảng Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Hồng Quang cho hay, tỉnh yêu cầu chủ đầu tư các dự án khởi công mới năm 2022 phối hợp cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, để đảm bảo điều kiện phân bổ và giải ngân kế hoạch vốn theo quy định; xây dựng chi tiết giải ngân theo từng tháng, quý, từng dự án để kịp thời điều chuyển kế hoạch vốn, đảm bảo tỷ lệ giải ngân 100%.

Cũng là một trong những địa phương có tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 50% sau 7 tháng, ông Trần Văn Hiệp - Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho rằng, để đẩy nhanh tốc độ giải ngân, cấp ủy phải tham gia theo dõi thường xuyên, nhưng phải cá thể hóa trách nhiệm, không đùn đẩy cho ai hết, “chịu trách nhiệm trước Thủ tướng là Chủ tịch UBND, chứ không phải Ban Cán sự đảng”. Bên cạnh đó, công tác chuẩn bị đầu tư phải làm sớm.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, mặc dù tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của Hà Nội mới đạt 26% - thấp hơn mức trung bình chung của cả nước, nhưng Hà Nội phấn đấu cuối năm sẽ đạt mức bằng hoặc trên mức bình quân chung cả nước. Sắp tới, Hà Nội sẽ xin ý kiến Thủ tướng Chính phủ để gỡ vướng ngay cho Dự án metro Nhổn - Ga Hà Nội.

Nhìn lại từ năm 2016 đến nay, vốn đầu tư công năm 2022 (540.000 tỷ đồng) cao gấp đôi 2016, do đó công việc làm gấp đôi của 2016; so với năm 2021, năm nay nhiều hơn 110.000 tỷ đồng. “Tình hình thay đổi, biện pháp phải thay đổi" - Thủ tướng chỉ rõ. Lãnh đạo các địa phương cũng khẳng định quyết tâm hoàn thành mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công năm 2022.

 

Đảm bảo chất lượng, hiệu quả

Để đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư công, phải được giải quyết căn cơ, lâu dài, thông qua việc tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách, thay đổi cách tiếp cận, quản lý, sử dụng nguồn vốn này phù hợp với yêu cầu phát triển. Chính phủ vẫn đang tiếp tục nghiên cứu để báo cáo Quốc hội cho phép tách giải phóng mặt bằng thành một dự án độc lập, được thực hiện với các quy định đặc thù, phù hợp với điều kiện thực tế, tạo thuận lợi hơn cho công tác chuẩn bị, nâng cao tính sẵn sàng và triển khai dự án.

Cùng với đó, bên cạnh yêu cầu chung là quản lý, sử dụng nguồn vốn đầu tư công hiệu quả, tiết kiệm, không lãng phí, đúng mục tiêu, đối tượng, tuân thủ quy định về nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn… cũng cần tiếp cận thẳng ngay vào nguyên nhân của những điểm nghẽn đang cản trở, làm chậm tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công. Nếu từng điểm nghẽn, hạn chế nêu trên được giải quyết thì giải ngân vốn đầu tư công nhất định sẽ được cải thiện.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng