70 năm giải phóng Thủ đô

Quyết liệt để duy trì hiệu quả công tác đảm bảo an toàn giao thông

Phạm Công
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hà Nội và 41 tỉnh, thành có tiến triển tốt về công tác đảm bảo an toàn giao thông. Để duy trì và nâng cao hiệu quả, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đề nghị lực lượng chức năng xử nghiêm các vi phạm, không chấp nhận bất kỳ sự can thiệp nào trong xử lý.

Chiều 6/4, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết công tác bảo đảm an toàn giao thông (ATGT) quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023. 

Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023.
Hội nghị trực tuyến với các địa phương sơ kết công tác bảo đảm ATGT quý I/2023 và phương hướng, nhiệm vụ quý II/2023.

Tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí

Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết: “Trong quý I/2023, công tác bảo đảm trật tự, ATGT trên địa bàn TP Hà Nội tiếp tục đạt được kết quả tích cực; số vụ và số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu so với cùng kỳ năm 2022”.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông, trong quý I/2023, các lực lượng của Công an TP, Thanh tra Sở GTVT đã kiểm tra xử lý 74.909 t/h vi phạm trật tự, ATGT đường bộ, đường sắt, đường thủy, phạt tiền 160.902.529.000 đồng.

Về tình hình tai nạn giao thông, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông thông tin, trong quý I/2023, trên địa bàn xảy ra 130 vụ tai nạn giao thông, làm 56 người chết, 101 người bị thương. So sánh cùng kỳ năm 2022 giảm 46 vụ (26,14%), giảm 37 người chết (39,78%), tăng 16 người bị thương (18,82%).

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.
Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu Hà Nội.

“Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông trên địa bàn TP còn diễn biến phức tạp, đặc biệt, thời điểm trước và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023. Thời gian tới, TP Hà Nội sẽ tập trung ban hành và triển khai Kế hoạch cao điểm bảo đảm trật tự, ATGT, công tác vận tải phục vụ nhu cầu đi lại của Nhân dân trong dịp nghỉ Lễ 30/4 và 1/5/2023" – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết.

Bên cạnh đó, Hà Nội sẽ đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự, ATGT trên tinh thần “thượng tôn pháp luật để xây dựng văn hóa giao thông an toàn”. Xử lý quyết liệt, hiệu quả vi phạm về nồng độ cồn, hình thành văn hóa “đã uống rượu, bia không lái xe” của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân. Tập trung xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Đại diện cho những tỉnh, thành có nhiều vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết, ngay từ đầu năm, tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt công tác đảm bảo ATGT, tuy nhiên vẫn để xảy ra nhiều cuộc tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Tai nạn giao thông tăng cả 3 tiêu chí.

“Qua xác minh, nguyên nhân cơ bản do ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện, trong đó, chủ yếu sử dụng rượu bia và di chuyển không đúng làn đường theo quy định. Đặc điểm địa hình của tỉnh do đường sá quanh co, sương mù… dễ xảy ra tai nạn. Bên cạnh đó, do một số nguyên nhân chủ quan của địa phương như tuần tra chưa khép kín, tuyên truyền giáo dục chưa đạt kết quả cao” - ông Lê Trí Thanh cho biết thêm.

Theo ông Lê Trí Thanh, thời gian tới, tỉnh Quảng Nam sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đồng thời, nâng cao hiệu quả giáo dục tuyên truyền để kéo giảm tình hình tai nạn giao thông trên địa bàn.

Tại hội nghị, ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch Chuyên trách Uỷ ban ATGT Quốc gia cho biết, quý I/2023 (tính từ ngày 15/12/2022 - 14/3/2023), toàn quốc xảy ra hơn 2.300 vụ TNGT, làm chết hơn 1.400 người, bị thương gần 1.600 người. So với cùng kỳ năm 2022, số vụ giảm 428 vụ, giảm 258 người chết và giảm 148 người bị thương.

Phân tích nguyên nhân TNGT đường bộ cho thấy, có gần 15% do người điều khiển phương tiện đi sai làn đường, phần đường; gần 8% do chuyển hướng không chú ý; 72% do vi phạm tốc độ; 0,18% do sử dụng ma túy, chất gây nghiện; hơn 32% các nguyên nhân khác và 34% chưa xác định được nguyên nhân.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại hội nghị.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại hội nghị.

Thống kê cho thấy, có 42 tỉnh, TP trực thuộc Trung ương có số người chết do TNGT giảm so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, vẫn còn 16 địa phương có số người chết do TNGT tăng so với cùng kỳ 2022, trong đó 11 tỉnh tăng hơn 20%.

Diễn biến phức tạp

Ông Khuất Việt Hùng cho rằng, quý I/2023, TNGT vẫn diễn biến phức tạp, còn xảy ra một số vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng, làm chết và bị thương nhiều người, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Điển hình tại Quảng Nam xảy ra 4 vụ TNGT đặc biệt nghiêm trọng làm 19 người chết, 25 người bị thương, trong đó vụ tai nạn ở huyện Núi Thành làm 10 người chết. Tại Nghệ An xảy ra 1 vụ làm 3 người chết và 1 người bị thương... Gần đây nhất là vụ TNGT tại Hà Nội làm 18 người bị thương và vụ máy bay trực thăng gặp nạn trên biển ở Quảng Ninh vào chiều 5/4.

Ngoài ra, tình trạng xe ô tô tải không thực hiện nghiêm quy định về xếp hàng hoá lên phương tiện, khiến cho hàng hoá bị rơi xuống đường, gây mất ATGT chưa được xử lý triệt để. Tình trạng ùn tắc giao thông có xu hướng gia tăng.

Kết luận buổi họp, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang ghi nhận và biểu dương sự nỗ lực của các tỉnh, thành có tỷ lệ tai nạn giao thông giảm mạnh. Bên cạnh đó, ùn tắc giao thông và tình trạng phương tiện vận chuyển quá khổ, quá tải giảm đáng kể.

“Tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh thành có số vụ tai nạn nghiêm trọng tăng. Nguyên nhân do hiệu lực thực thi pháp luật về ATGT ở các địa phương này còn hạn chế; sự phối hợp giữa các cơ quan, lực lượng có nơi, có lúc chưa chặt chẽ, nhất là trong kiểm tra, xử lý các đơn vị kinh doanh vận tải đường bộ, đường thủy nội địa” – Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhận định.  

Phó Thủ tướng cho rằng, kinh tế - xã hội phát triển khiến cho phương tiện ngày càng tăng, hạ tầng giao thông chưa đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân, ý thức tham gia giao thông của người dân còn chuyển biến chậm.

“Các địa phương cần nâng cao trách nhiệm lãnh đạo, quản lý và giáo dục trong công tác đảm bảo ATGT. Lực lượng chức năng cần quyết liệt hơn trong công tác xử lý vi phạm, không chấp nhận sự can thiệp vào quá trình xử lý giao thông. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng tham gia đảm bảo ATGT” - Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang nhấn mạnh.

Để giảm thiểu tai nạn giao thông, Phó Thủ tướng cho rằng công tác tuyên truyền hết sức quan trọng trong việc nâng cao ý thức của người dân. Cần đổi mới và sử dụng phương thức truyền tải hấp dẫn, thu hút người dân hơn nữa. Đồng thời, có sự trao đổi, học tập lẫn nhau giữa các địa phương.