Từ thực tế này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần phải có những quyết sách mạnh hơn trong việc triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới hệ thống cơ sở giáo dục của Thủ đô, nhất là các trường học cấp mầm non và phổ thông ở các quận của Hà Nội.
Dân số tăng nhanh, trường xây không kịp
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hà Nội, năm học 2022 - 2023 toàn TP Hà Nội có 2.177.000 học sinh, 2.840 trường mầm non, phổ thông, 29 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và 1 trường trung cấp chuyên nghiệp. So với năm 2011, số học sinh đã tăng 765.769 em, cùng đó đã tăng 325 trường, 25.541 lớp.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương thông tin, vào năm 2012, UBND TP đã ban hành hai quyết định phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030 và Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên, giáo dục chuyên nghiệp TP Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030. Trong đó, chỉ tiêu đề ra giai đoạn 2011 – 2030, toàn TP cần cải tạo và xây mới 724 trường mầm non, 234 trường tiểu học, 108 trường THCS, 112 trường THPT
Triển khai các quy hoạch này, đến nay TP đã đầu tư cải tạo, xây dựng được 1.362 dự án trường học, trong đó có 1.017 trường công lập và 45 trường ngoài công lập, vượt so với chỉ tiêu đề ra là 676 trường.
Tuy vậy, theo đánh giá của lãnh đạo ngành giáo dục Thủ đô, phát triển mạng lưới trường học theo quy hoạch không bắt kịp so với tốc độ gia tăng dân số. Do đó vẫn còn tình trạng thiếu trường, thiếu lớp tại một số quận, huyện có tốc độ đô thị hóa nhanh hoặc những nơi không còn quỹ đất để mở rộng như tại 4 quận nội đô. Tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình THCS được tuyển vào các trường THPT công lập còn thấp, chưa đáp ứng được chủ trương phân luồng do thiếu trường, thiếu lớp học.
Nhiều dự án xây dựng trường học trong quy hoạch các khu đô thị chậm được triển khai dẫn đến các chỉ tiêu như số lớp/trường, số học sinh/lớp ở một số phường, xã, quận nội đô và huyện đang phát triển đều không bảo đảm tiêu chuẩn theo quy định. “Theo quy chuẩn chung là 45 lớp/trường nhưng tại Trường THCS Giảng Võ (quận Ba Đình) đã lên đến 73 lớp, do vậy tới đây trường phải tách làm hai” – ông Trần Thế Cương lấy ví dụ.
Để khắc phục những tồn tại này, ông Trần Thế Cương cho biết, ngành đã xin phép cho nâng chiều cao tầng, xây hầm tại các trường trong những quận lõi và áp dụng tiêu chí trường chuẩn quốc gia là m2 sàn/học sinh chứ không phải là m2 đất/học sinh tại các quận này của Hà Nội. Đồng thời xin với Bộ GD&ĐT cho tăng 5% số lớp/trường và 5% số học sinh/lớp.
“Hiện nay, TP có tình trạng tăng dân số cơ học rất nhanh, bình quân mỗi năm tăng từ 50 - 60 nghìn học sinh, tương ứng với việc cần phải xây mới từ 30 - 40 trường học. Để đáp ứng nhu cầu học tập của con em trên địa bàn, trách nhiệm của chính quyền các cấp, ngành đang quả thật rất khó khi quỹ đất trong nội thành không còn” – ông Trần Thế Cương chia sẻ.
Kịch bản phát triển cần sát thực tế
Có thể nói, thực trạng quá tải, không gian chật chội của nhiều trường học khu vực nội thành Hà Nội tồn tại nhiều năm qua. Tuy nhiên, việc xây dựng và mở rộng cơ sở vật chất trường, lớp học tại các quận, nhất là những quận khu vực đô thị lõi đang thiếu quỹ đất. Đặc biệt, yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học hiện nay tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia về an toàn cháy cho nhà và công trình (QCVN 06:2010/BXD) do Bộ Xây dựng ban hành năm 2010.
Theo Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, trong bối cảnh diện tích đất bình quân trên một học sinh ở khu vực nội đô Hà Nội hiện nay thấp hơn so với quy định chung thì việc đề xuất nâng tầng các trường học là giải pháp hợp lý vì không dễ có được quỹ đất để tăng diện tích đất xây dựng trường học. “Với khó khăn về quỹ đất như vậy, đã có một số trường học tại quận Hai Bà Trưng nâng lên 5 tầng trong khi tiêu chuẩn là 4 tầng. Việc này đã được Bộ Xây dựng chấp thuận. Như vậy, đề xuất nâng tầng trường học lần này là một giải pháp thích hợp nhằm nâng cao chất lượng giáo dục" - ông Đào Ngọc Nghiêm nói.
Nhằm đề xuất nới lỏng quy định yêu cầu giới hạn tối đa 4 tầng đối với trường học hiện nay, Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, tại văn bản góp ý thẩm định về Dự thảo Nghị quyết Điều chỉnh quy hoạch mạng lưới trường học TP Hà Nội đến năm 2020, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Sở QH - KT đã có ý kiến về các chỉ tiêu quy hoạch, kiến trúc, trong đó có tầng cao công trình.
Theo đó, đối với các địa phương thiếu quỹ đất để thiết kế xây dựng trường học theo quy định trường đạt chuẩn quốc gia, nhất thiết phải nâng số tầng cao hơn quy định của QCVN 06:2010/BXD nhằm bảo đảm quy mô lớp học. Tuy nhiên, Sở QH - KT cũng khuyến cáo các địa phương cần nghiên cứu, có luận chứng cho từng trường hợp cụ thể, nêu rõ giải pháp bổ sung, thay thế, bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy và luận chứng phải được sự thẩm duyệt của Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ.
Hà Nội đang thực hiện rà soát hiện trạng và xây dựng phương án phát triển giáo dục Thủ đô, trong đó có nội dung quy hoạch mạng lưới trường học để tích hợp vào Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung và Quy hoạch Thủ đô. Theo định hướng sẽ tăng cường phát triển quy hoạch mạng lưới trường mầm non, phổ thông, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên, các trường chuyên biệt bảo đảm mọi người dân đều được công bằng tiếp cận giáo dục. Đến năm 2030 có 100% trường tư thục được quan tâm ưu tiên cho thuê đất, thuê cơ sở vật chất công theo quy định. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và trong giảng dạy, trong chuyển đổi số, trong cải cách thủ tục hành chính...
Đa dạng hóa các mô hình trường học tạo cơ hội cho mọi đối tượng người học được tham gia học tập suốt đời. Tiếp tục thực hiện phân luồng học sinh sau THCS và THPT. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển giáo dục đào tạo. Tăng cường hội nhập quốc tế trong giáo dục đào tạo, tập trung đầu tư xây dựng phát triển thêm trường THPT chuyên, trường phổ thông chất lượng cao đạt trình độ khu vực, thế giới.
Để hiện thực hóa được các định hướng quy hoạch, phát triển, nhiều chuyên gia cho rằng, TP cần có phân tích rõ về phân bố không gian cho việc xây dựng các loại trường, về nguồn lực đất đai, con người, dự báo được số lượng học sinh tăng giảm trong giai đoạn tới... Đây là những dữ liệu đầu vào tối quan trọng nhằm xây dựng kịch bản phát triển của ngành giáo dục, nhất là giáo dục bậc mầm non và phổ thông sát với thực tế.
Để khắc phục tình trạng thiếu trường lớp trên địa bàn Thủ đô, ngành giáo dục TP đã có đề xuất xây dựng 7 trường liên cấp với quy mô từ 5ha trở lên tại các quận, huyện cửa ngõ như: Hà Đông, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Đan Phượng. Mặc dù HĐND TP đã thông qua, nguồn vốn cũng đã được UBND TP bố trí là 2.600 tỷ đồng, đất tại các quận, huyện đã có nhưng vướng mắc nhất hiện nay không thể triển khai vì chưa có tiêu chí cho việc xây dựng loại hình trường học liên cấp.
Tới đây nếu được xây dựng thì hệ thống các trường này sẽ bổ khuyết vào quy hoạch mạng lưới trường học hiện còn thiếu mô hình trường liên cấp.
Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương