Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết tâm “nói không với doping”

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Mới đây, Bộ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh tuyên bố: "Thể thao Việt Nam sẽ nói không với doping". Dư luận cho rằng, để quyết tâm ấy thành hiện thực, đòi hỏi ngành thể thao phải có những bước đi quyết liệt và cụ thể.

Giữa muôn trùng vây

Cách đây không lâu, tiền đạo Molina của B. Bình Dương bị phát hiện chết trong khách sạn, mà nguyên nhân được Cơ quan điều tra xác định là do sốc ma túy. Sau cái chết của ngôi sao bóng đá người Argentina này, một cầu thủ ngoại không ngại ngần tuyên bố: "Các cầu thủ ở Việt Nam sử dụng ma túy, chất cấm rất thường xuyên".

Quyết tâm “nói không với doping” - Ảnh 1

Lực sỹ Hoàng Anh Tuấn từng bị cấm thi đấu 2 năm do sử dụng doping.

Thực tế cho thấy, lâu nay dư luận không lạ gì với hiện tượng các cầu thủ Việt Nam làm bạn với ma túy và chất kích thích. Nhiều cầu thủ bị phát hiện tàng trữ, sử dụng ma túy. Có cầu thủ bị phạt tù treo, cấm thi đấu dài hạn. Nhưng, dư luận cho rằng, đó chỉ là phần nổi của tảng băng chìm và đằng sau tấm màn nhung là một sự thật đáng báo động về tình trạng cầu thủ Việt Nam sử dụng chất cấm.

Mới đây, thủ quân của đội SLNA là Nguyễn Huy Hoàng cũng dính nghi án sử dụng thuốc lắc. Mặc dù, Huy Hoàng được kết luận là lái xe gây tai nạn trong tình trạng say rượu nhưng dư luận lại cho rằng, biểu hiện của cầu thủ này giống như một người đang "phê” thuốc lắc. Tiếc là Huy Hoàng không được đưa đi xét nghiệm nên nghi vấn về cầu thủ này đã không được làm sáng tỏ.

Phải có một cuộc chiến

Bộ trưởng VHTT&DL Hoàng Tuấn Anh cho biết: "Bộ đã thành lập Trung tâm Doping - Y học Thể thao tại Mỹ Đình. Trung tâm này sớm đi vào hoạt động sẽ giúp ích rất nhiều cho sự công bằng, minh bạch trong thi đấu và giảm chi phí do hiện nay hầu hết mẫu kiểm tra doping của VĐV đều phải gửi sang Trung Quốc, Malaysia để kiểm tra".

Bên cạnh đó, ông Hoàng Tuấn Anh cũng cho biết: "Trong thời gian tới, các giải đấu quốc gia, quốc tế được tổ chức tại Việt Nam, công tác này sẽ được thực hiện nghiêm ngặt nhằm loại bỏ yếu tố doping trong thể thao".

Thực ra, với bóng đá nói riêng và thể thao nói chung, cuộc chiến chống doping trong bối cảnh hiện nay cần được bao hàm với nỗ lực loại bỏ ma túy ra khỏi đời sống. Đơn giản bởi một bộ phận cầu thủ, vận động viên đã bị tác động bởi ma túy, chất kích thích chứ không phải doping. Thế nhưng trước đây, với lý do là thử doping phức tạp, tốn kém nên nhiều BTC giải, các đội bóng đã bỏ qua một công đoạn hết sức quan trọng là xét nghiệm cầu thủ. Hệ quả là bóng đá Việt Nam nói riêng và thể thao nói chung không tạo ra được bất cứ rào cản nào đối với ma túy. Trong khi đó, hầu hết các cơ sở y tế ở Việt Nam đều có chức năng xét nghiệm ma túy và chất kích thích.

Thế nên, vấn đề đặt ra lúc này không phải là hệ thống cơ sở vật chất, mà chính là ý thức của những người làm thể thao. Một khi họ ý thức được vai trò của công tác phòng chống doping, chất cấm thì mới có được sự đột phá ở lĩnh vực mà lâu nay đã bị buông lỏng. Bởi, nói cho cùng, không ai hiểu cầu thủ, VĐV bằng các HLV và nhà quản lý của họ. Một khi họ tuyên chiến với ma túy, đời sống bóng đá sẽ trở nên lành mạnh. Và ngược lại, nếu họ thỏa hiệp với cái xấu thì ngay cả khi các cuộc xét nghiệm được tổ chức thường xuyên thì cũng khó phát hiện ra "ổ bệnh". Ai cũng biết, nhiều đội bóng luôn mang tâm lý "tốt đẹp khoe ra, xấu xa đậy lại" nên sẵn sàng chống chế, thậm chí bao che cho cầu thủ vì tâm lý "xấu chàng hổ ai?".