Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Quyết toán thuế thu nhập cá nhân: Đừng để bất cẩn mà mất tiền oan

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 20/3, Tổng cục Thuế tổ chức họp báo chuyên đề về quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2017.

  Đại diện Tổng cục Thuế thông tin tại buổi họp báo. Ảnh: Nha Trang
Các trường hợp phải quyết toán thuế TNCN
Theo đại diện Tổng cục Thuế, cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công có trách nhiệm khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm hoặc có số thuế nộp thừa đề nghị hoàn hoặc bù trừ thuế vào kỳ khai thuế tiếp theo. Việc quyết toán thuế TNCN cũng loại trừ với trường hợp cá nhân có số thuế phải nộp nhỏ hơn số thuế đã tạm nộp mà không có yêu cầu hoàn thuế hoặc bù trừ thuế vào kỳ sau.

Ngoài ra, đối tượng khác không phải quyết toán thuế là cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị mà có thêm thu nhập vãng lai ở các nơi khác bình quân tháng trong năm không quá 10 triệu đồng. Người này đã được đơn vị trả thu nhập khấu trừ thuế tại nguồn theo tỷ lệ 10%. Cá nhân nếu không có yêu cầu thì không phải quyết toán thuế đối với phần thu nhập này.

Về hình thức quyết toán thuế, cá nhân có thể ủy quyền quyết toán thuế qua tổ chức trả thu nhập hoặc trực tiếp quyết toán thuế. Một trong những trường hợp được ủy quyền là cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một tổ chức trả thu nhập và thực tế đang làm việc tại đó vào thời điểm ủy quyền quyết toán thuế.
Ngược lại, cá nhân quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế nếu những người này chỉ có thu nhập vãng lai đã khấu trừ thuế theo tỷ lệ 10% (kể cả trường hợp có thu nhập vãng lai duy nhất tại một nơi). Ngoài ra, cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công ký hợp đồng lao động từ 3 tháng trở lên tại một đơn vị đồng thời có thu nhập vãng lai chưa khấu trừ thuế (bao gồm trường hợp chưa đến mức khấu trừ và đã đến mức khấu trừ nhưng không khấu trừ) thì cá nhân không ủy quyền quyết toán thuế.

Bị truy thu thuế oan - làm sao?

Trước các thông tin về việc một số cá nhân bị DN lợi dụng, đưa vào bảng kê khai chi phí trong khi không hề phát sinh thu nhập chịu thuế tại DN đó, ông Nguyễn Văn Phụng - Vụ trưởng Vụ các DN lớn khuyến cáo: “Mọi người có mã số thuế phải giữ thật chặt mã số thuế của mình”.

Ông Phụng thừa nhận, thực tế có chuyện một số cá nhân bị mất chứng minh Nhân dân nên mã số thuế lọt ra ngoài, bị DN lợi dụng, độn chứng từ, bịa ra chứng từ trả tiền công, lương rồi đưa vào bảng kê khai chi phí của họ.
Theo chi phí DN khai ra theo mã số thuế đó, nên có chuyện một số cá nhân thu nhập đội lên dẫn đến việc bị truy thu thuế oan. “Thái độ của ngành thuế là kiên quyết cùng cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và xử lý triệt để tình trạng này. Chúng tôi đã yêu cầu các cơ quan thuế địa phương tiếp nhận thông tin và kiểm tra đến cùng để xử lý vấn đề” - ông Phụng nhấn mạnh.

Về việc một số cá nhân sau mùa quyết toán hơn một năm mới nhận được thông bao truy thu thuế, đại diện Tổng cục Thuế cho biết, có những cá nhân không nhớ hết thu nhập của mình. Nếu thu nhập nằm trong diện phải quyết toán thì cơ quan thuế sẽ truy thu. Cũng có trường hợp, DN trả thu nhập khai báo muộn nên tháng 6, tháng 7, thậm chí cả năm sau mới chuyển dữ liệu tới thuế, nên cơ quan thuế mới tính toán lại để thông báo nộp bổ sung.