Ra mắt 1.000 cuốn sách nói cho người khiếm thị

Hồng Thái
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 19/4, tại trụ sở Hội Người mù TP Hà Nội đã diễn ra Lễ ra mắt 1.000 cuốn sách nói sưu tầm cho người khiếm thị.

Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù TP Hà Nội) Nguyễn Trung Thái chia sẻ tại chương trình.
Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù TP Hà Nội) Nguyễn Trung Thái chia sẻ tại chương trình.

Sự kiện này là hoạt động ý nghĩa nhằm hưởng ứng Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam 21/4, do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù TP Hà Nội) tổ chức.

Theo ông Nguyễn Trung Thái - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù TP Hà Nội), sách có giá trị tinh thần vô cùng quan trọng trong đời sống của con người, là kho tàng tri thức vô tận và là ánh sáng dẫn bước đi đến tương lai. Phát huy văn hóa đọc trong cộng đồng người khiếm thị là việc làm cần thiết và ngày càng được nhân rộng.

1.000 cuốn sách được giới thiệu lần này được sưu tầm từ nhiều nguồn trên Internet với các thể loại, chuyên mục phong phú, đa dạng, phù hợp cho nhiều lứa tuổi.

Tại Lễ ra mắt 1.000 cuốn sách nói sưu tầm cho người khiếm thị, các đại biểu dự chương trình được nghe chia sẻ của những người khiếm thị thành công trong nhiều lĩnh vực nói về tầm quan trọng của việc đọc sách; việc tiếp cận sách nói của người khiếm thị thông qua video clip "Người khiếm thị và văn hóa đọc".

Các ý kiến chia sẻ về cuốn sách yêu thích, phương pháp đọc sách hiệu quả, kế hoạch triển khai tủ sách và khơi dậy tinh thần đọc sách đến các hội viên….

Các ý kiến chia sẻ tại lễ ra mắt 1.000 cuốn sách nói sưu tầm cho người khiếm thị.
Các ý kiến chia sẻ tại lễ ra mắt 1.000 cuốn sách nói sưu tầm cho người khiếm thị.

Theo nữ sinh Nghiêm Thu Loan (Đại học RMIT Việt Nam), các cuốn sách đã mở ra cho ta chân trời tri thức mới. Khi đọc đọc sách, chúng ta nhận được rất nhiều kiến thức từ xã hội bên ngoài để phát triển kỹ năng, kiến thức của mình.

Đang theo học tại chuyên ngành truyền thông, Nghiêm Thu Loan cho biết, khi đọc những cuốn sách về truyền thông, cô sẽ nhận được những kiến thức của những chuyên gia, những người đã viết những cuốn sách đó. “Khi đọc cuốn sách “100 ý tưởng sáng tạo trong quảng cáo”, tôi sẽ học hỏi được từ tác giả, cách lên ý tưởng để mình đưa ra một sản phẩm truyền thông ấn tượng, thu hút người xem và đưa đến những giá trị tốt nhất của thương hiệu mà mình chuyển tải” - Nghiêm Thu Loan chia sẻ.

Là người khiếm thị, Nghiêm Thu Loan cho biết không có nhiều điều kiện và không có nhiều cơ hội để đi đến mọi nơi gặp gỡ những con người ở những vùng đất khác nhau, thì những cuốn sách nói giống như tấm gương phản chiếu của thế giới toàn diện cho bản thân cô học hỏi.

Cùng với chủ đề Ngày sách và văn hóa đọc Việt Nam năm 2023 “Sách: Nhận thức - Đổi mới - Sáng tạo” - “Sách cho tôi, cho bạn”, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù TP Hà Nội) hy vọng góp phần lan tỏa văn hóa đọc, hướng tới hình thành xã hội học tập, tạo lập thói quen tự học, nâng cao trình độ, kiến thức đưa người khiếm thị hội nhập cùng cộng đồng.

Ngay sau Lễ ra mắt 1.000 cuốn sách nói sưu tầm cho người khiếm thị, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp (Hội Người mù TP Hà Nội) sẽ lần lượt luân chuyển 1.000 cuốn sách nói đến các đơn vị và hỗ trợ thành lập tủ, kho sách nói tại các hội cơ sở.