70 năm giải phóng Thủ đô

Ra mắt chương trình phổ cập kiến thức phòng, chống Covid-19 trên VTV2

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 14/8, chương trình “Covid-19 phòng và chống” sẽ được phát sóng vào lúc 21 giờ 10 hàng ngày trên VTV2 nhằm đem tới những phân tích khoa học dễ hiểu, dễ tiếp cận để khán giả có thể dễ dàng tiếp cận những thông tin liên quan tới việc phòng và chống Covid-19.

Trong bối cảnh Covid-19 đang là vấn đề y tế được quan tâm hàng đầu hiện nay, rất nhiều thông tin về dịch bệnh được đăng tải trên các phương tiện truyền thông. Tuy nhiên, khán giả chưa tiếp cận nhiều với những phân tích khoa học liên quan tới Covid-19. Với thế mạnh là Khoa học và Giáo dục, Ban Khoa giáo đã nhanh chóng xây dựng chương trình “Covid-19 phòng và chống” phát sóng liên tục vào 21giờ10 hàng ngày, từ 14/8/2021 trên kênh VTV2.
 Ê kíp thực hiện chương trình.

Với thời lượng từ 5-7 phút mỗi số, các đề tài mà ê-kíp hướng đến đều được người dân quan tâm nhất hiện nay như: Chăm sóc F0, F1 tại nhà; các biện pháp phòng, chống lây nhiễm; tiêm vaccine phòng Covid -19.

Những clip ngắn về chủ đề này sau khi được đăng tải định kỳ vào 11 giờ các ngày trong tuần trên fanpage VTV2 Chất lượng cuộc sống, đã thu hút hàng trăm nghìn lượt xem, tương tác và chia sẻ. Điều này cho thấy khán giả rất mong muốn tiếp cận với những thông tin chính thống liên quan đến dịch Covid-19 nói chung và chủ đề vaccine phòng, chống Covid-19 nói riêng.

10 chủ đề của chương trình lần lượt gửi tới khán giả gồm: Bệnh lý nền nào cần chú ý khi tiêm vaccine phòng Covid-19; Chăm sóc sức khỏe sau khi tiêm phòng vaccine Covid-19; Ai có nguy cơ diễn biến nặng khi nhiễm Covid-19?; 10 điều cần làm khi cách ly F1 tại nhà; Đánh tan nỗi lo khi đi siêu thị; Giảm nồng độ virus trong nhà; Tại sao không thể so sánh các loại vaccine phòng Covid-19? Cần bao lâu để sinh kháng thể sau khi tiêm vaccine phòng Covid-19; Ngăn virus SARS-CoV-2 xâm nhập cơ thể và F0 cần làm gì khi được xuất viện sớm.

Làm thế nào để các thông tin khoa học được dễ hiểu? Đó là câu hỏi đặt ra lớn nhất cho ê-kíp khi thực hiện chương trình. Để làm được điều đó, nhóm sản xuất sử dụng những đồ họa kết hợp với ý kiến của các chuyên gia giúp khán giả dễ tiếp cận hơn. Đó sẽ là các đồ họa minh họa cho sự phát tán virus từ một người mang bệnh trong không gian kín ra sao, hoặc là đồ họa minh họa cho các mầm bệnh tồn tại trong nhà chúng ta như thế nào... Từ đó, các chuyên gia sẽ đưa ra những phân tích cũng như biện pháp làm thế nào để phòng tránh nguy cơ lây nhiễm Covid-19 đơn giản và hiệu quả.

Các khách mời tham gia chương trình là các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực y tế: TS Phạm Quang Thái, Trưởng văn phòng tiêm chủng miền Bắc, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS Bùi Vũ Huy, Giảng viên cao cấp Bộ môn truyền nhiễm, Ðại học Y Hà Nội; PGS.TS Trần Ðắc Phu – chuyên gia Bộ Y tế, Cố vấn cao cấp Trung tâm Ðáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam; PGS.TS Nguyễn Văn Kính – nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư; PGS.TS Nguyễn Văn Nhung – Giám đốc Bệnh viện Phổi T.Ư.

Sản xuất chương trình trong bối cảnh giãn cách xã hội nên ê-kíp tận dụng tối đa lợi thế về công nghệ của trường quay ảo để MC tương tác với khách mời. Phần phỏng vấn chuyên gia được êkíp triển khai bằng hình thức trực tuyến, nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch bệnh.

Điều mong muốn lớn nhất của những người thực hiện, đó là sau khi xem chương trình, khán giả có thể áp dụng ngay các biện pháp một cách hiệu quả để phòng chống, dịch Covid-19.