Tới dự buổi ra mắt cuốn sách có: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Ngô Văn Dụ; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; Trợ lý phụ trách Văn phòng Tổng Bí thư Đào Đức Toàn; Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong; nguyên Phó Bí thư Thành ủy Tưởng Phi Chiến.
Đến dự còn có các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, đại diện các cơ quan Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ VHTT&DL, TP Hà Nội, tỉnh Hà Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam.
Những câu chuyện không bao giờ quên
Phát biểu tại lễ ra mắt, tác giả Phạm Quang Nghị đã chia sẻ với độc giả về lý do ra đời của cuốn sách. Theo đó, trong quá trình được sống, được đi, được tiếp xúc, được lắng nghe và trò chuyện, ông thấy có rất nhiều điều bổ ích và đáng nhớ. Vì vậy, ông muốn kể cho nhiều người cùng nghe và hồi tưởng lại chặng đường đã đi qua với biết bao điều đáng nhớ, đáng kể. Những điều ấy đã được ông viết trong 650 trang sách.
"Những vấn đề được đề cập trong sách là những câu chuyện tôi nhớ không bao giờ quên, từ khi bắt đầu có sự nhận biết, lúc bé thơ theo mẹ ra đồng, ngồi bên quang gánh của mẹ, một bên là tôi, một bên là phân gio... Cuốn sách trải dài theo thời gian trong suốt gần 70 năm cuộc đời, từ khi tôi bắt đầu có lý trí cho tới khi về hưu, ít phải lo nghĩ công việc riêng, chung. Không gian trong cuốn sách thì mênh mông, từ Trường Sơn tới Trường Sa, từ Hà Giang đến mũi Cà Mau, những nơi tôi đã đi qua trong chiến tranh, lúc hòa bình – tác giả Phạm Quang Nghị chia sẻ.
Cuốn sách “Đi tìm một vì sao” dày 650 trang, do Nhà Xuất bản Hội Nhà văn ấn hành. Sách gồm 3 phần. Phần thứ nhất “Lớn lên bên dòng sông Mã” kể về “Làng Hoành, quê tôi”, “Tuổi thơ”, “Học việc”, “Vào đại học”, “Ước mong ra chiến trường”, “Lên đường ra trận”. Phần thứ hai “Chào mẹ con đi để được làm người, tác giả kể chuyện “Đi dọc Trường Sơn”, “Về miền Đông Nam Bộ”, “Vùng ven”, “Ngày ấy, Tây Ninh…”, “Nỗi nhớ Sài Gòn”. Phần thứ ba “Những chuyện đã qua” nói về “Chuyện thường ngày ở Ban”, “Hạn 49-53". Về Hà Nam”, “Bộ Văn hóa – Thông tin, năm năm và một ngày”, “Mười năm – Một lát cắt thời gian…”, “Những niềm vui giản dị”.
Những trang viết chân thực, quyến rũ với người đọc
Mở đầu cuốn sách với chuyện “Một bầu trời đầy sao”, tác giả Phạm Quang Nghị viết: Thở nhỏ, giống như bao đứa trẻ, vào những đêm trăng sáng tôi thường ngửa mặt lên trời đếm sao “…Một ông sao sáng/Hai ông sáng sao, Ba ông sao sáng….. Tôi và bọn trẻ còn thi nhau đếm một hơi xem đứa nào đếm được nhiều ông sao nhất".
Theo Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều - Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam: “Mở đầu cuốn tự truyện là những trang viết thực sự trong sáng và đẹp đẽ. Hình ảnh những đứa trẻ, trong đó có ông, đêm đêm nhìn lên bầu trời bao la và đếm những vì sao lấp lánh. Ngay từ lúc đó, cậu bé Phạm Quang Nghị đã ước mong được biết ngôi sao của đời mình. Đó cũng chính là giấc mơ đẹp đẽ, có thật của một con người luôn mong hướng về những điều tốt đẹp để sống, suy ngẫm và hành động. Đó cũng là khởi nguồn cho con đường đi tìm ngôi sao lý tưởng sống của ông.
Và hơn bảy mươi năm sống trên thế gian này, ông mê mải đi tìm ngôi sao ấy. Con đường đi tìm ngôi sao cũng chính là con đường của niềm cảm hứng sống lớn lao, là con đường được làm việc, cống hiến với bao thăng trầm, buồn vui, là con đường dâng hiến của một con người cho dân tộc mình qua hơn nửa thế kỷ. Trên con đường ấy, khát vọng, ý chí và hành động của con người mang tên Phạm Quang Nghị không hề thay đổi. Và ông đã tìm thấy ngôi sao cho lẽ sống của mình”.
Cũng theo nhà thơ Nguyễn Quang Thiều: “Đi tìm một vì sao là một tự truyện đậm chất văn chương. Như phụ đề của tên sách “Tự kể chuyện mình”, tác giả Phạm Quang Nghị đã kể lại cuộc đời mình một cách trung thực với một tình yêu cuộc đời mãnh liệt. Có nhiều trang viết là những trang văn chân thực, đẹp và có sức quyến rũ mạnh mẽ với người đọc”.
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Trưởng ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương nhận định: Đọc “Đi tìm một vì sao”, người đọc có dịp hiểu một con người đây suy tư và nghị lực, được sống trong môi trường rèn luyện, thử thách từ những năm tháng khói lửa chiến tranh tới khi đất nước hòa bình. Một cán bộ nhiệt huyết và đầy trách nhiệm, thầm lặng, kiên trì phấn đấu, luôn có niềm tin và hướng tới những điều cao cả, một lòng phục vụ Nhân dân và đất nước.
Trên suốt chặng đường ấy, lúc thuận lợi hay trong lúc rất khó khăn, Phạm Quang Nghị cảm thấy mình luôn được bạn bè, đồng chí, người thân ủng hộ, đồng hành, tiếp sức. Luôn cảm nhận có được một ngôi sao dẫn đường.
Ngôi sao ấy là lý tưởng, là niềm tin vào sự nghiệp vinh quang của Đảng, của Nhân dân, là con đường mà anh đang đi. Bởi thế khi được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó những nhiệm vụ, trên mọi cương vị, mọi chặng đường, Phạm Quang Nghị đều nỗ lực hoàn thành và hoàn thành tốt”.
Đọc “Đi tìm một vì sao”, qua các trang sách người đọc thấy hiện lên rất nhiều chân dung những con người. Thấy tác giả và bạn bè, đồng chí, đồng nghiệp đã cùng đồng hành. Viết về công việc, viết về mọi người, người đọc lại hiểu thêm về tác giả - một con người luôn sống, làm việc hết sức nhiệt tình, chân tình, trách nhiệm, bản lĩnh và đáng mến biết bao.