Tuy nhiên, theo ghi nhận của phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị, trong ngày 14/8, vỉa hè của nhiều tuyến phố vẫn bị lấn chiếm để kinh doanh, buôn bán, tập kết VLXD... có thể thấy đợt ra quân này vẫn đang ở tình trạng “đầu chưa xuôi...”
Hàng hóa, xe cộ cùng chiếm vỉa hè
Dạo quanh các tuyến phố Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Giảng Võ, Nguyễn Khuyến, Văn Miếu, La Thành, Láng Hạ…, vẫn thấy các quầy hàng hóa, hàng ăn, hàng hoa quả, các điểm trông giữ xe ngang nhiên lấn chiếm vỉa hè của người đi bộ. Trước cửa nhà 577 Kim Mã, vật liệu xây dựng để ngổn ngang, choán hết cả một góc hè phố. Tại quán lẩu vịt 217 Kim Mã, các vật dụng gia đình được nhà hàng này trưng hết ra vỉa hè. Ngay góc phố Giảng Võ giao với Núi Trúc, các quầy bánh mì di động lấn ra sát lòng đường. Sát với di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, các quán hàng ăn trên phố Văn Miếu đều đua ra hết cả hè phố. Vỉa hè của tuyến phố Nguyễn Thái Học rất rộng, thế nhưng cũng bị thu hẹp vì nhiều hàng quán tranh thủ lấn chiếm. Thậm chí, nhiều chủ cửa hàng còn chiếm cả lòng đường. Có lẽ sợ khuất tầm nhìn của người đi đường, chủ một cửa hàng hoa trên đường Láng Hạ, đoạn giao với đường La Thành, còn để các bó hoa xuống hẳn dưới lòng đường, gây nguy hiểm cho những người tham gia giao thông.
Bên cạnh đó, có thể nhận thấy, nhiều cá nhân, tổ chức còn tranh thủ lấn chiếm hè phố biến thành điểm trông giữ xe. Trước các đền chùa, di tích, các trụ sở cơ quan, siêu thị, cửa hàng…, vỉa hè đều được quây thành chỗ để xe,thu tiền giá cao. Theo quan sát của phóng viên trưa 14/8, trên phố Giảng Võ, Xã Đàn, Nguyên Hồng, hàng loạt chiếc xe ô tô đỗ trái phép dưới lòng đường…
Tái diễn đầu "voi" đuôi "chuột"?
Thực tế tồn tại từ nhiều năm nay, sau các đợt ra quân rầm rộ của lực lượng chức năng, tình trạng vi phạm lòng đường, hè phố chỉ “tạm lắng”. Còn sau đó các vi phạm vẫn không hề giảm. Trong đợt ra quân này, dù mới chỉ được vài ngày, khi chúng tôi đi thực tế tại một số tuyến đường vẫn thấy, các hàng quán lấn chiếm vỉa hè gây ra tình trạng lộn xộn, mất an ninh trật tự. Những tuyến phố đẹp, văn minh cũng kinh doanh tràn lan trên hè phố; mái che, mái vẩy mọc khắp nơi. Khó có thể liệt kê nổi bao nhiêu tuyến phố Hà Nội đã bị chiếm mất vỉa hè.
Ông Hoàng Văn Mạnh, Phó Chánh Thanh tra Sở GTVT cho biết, nguyên nhân là bởi quy định về xử lý vi phạm còn nhiều bất hợp lý. Việc cấp giấy phép kinh doanh chưa xem xét đến khả năng để xe của nhà hàng, doanh nghiệp. Thêm vào đó, ý thức của người dân còn kém, cộng với việc thiếu trách nhiệm của một bộ phận lực lượng chức năng, khiến tình trạng lấn chiếm ngày càng gia tăng. Đối với các hành vi chiếm dụng hè phố để đặt biển hiệu, buôn bán vặt, lấn chiếm hè phố, gây mất mỹ quan đô thị, ảnh hưởng đến giao thông, mức xử phạt rất thấp. Trong khi lợi nhuận thu được từ việc buôn bán tại vỉa hè rất cao nên các chủ kinh doanh đều chấp hành nộp phạt để rồi tiếp tục vi phạm. Khi chiếc xe lực lượng kiểm tra trật tự đi qua, vi phạm lại diễn ra. Chính vì vậy, việc kiểm tra, xử phạt rồi lại tái diễn vi phạm trở thành điệp khúc quen thuộc đối với các hàng quán hoạt động theo hình thức này....
Để giải quyết tình trạng trên, cùng với việc đầu tư hạ tầng, chỉnh trang bộ mặt đô thị, cần phải có sự quản lý khoa học, để hàng triệu mét vuông vỉa hè không trở thành miếng mồi ngon cho những người kiếm lợi bất chính. Hy vọng với những chủ trương và biện pháp quyết liệt, Hà Nội sẽ lập lại được kỷ cương để hè phố, lòng đường thông thoáng, đảm bảo TTATGT, vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị.
UBND TP. Hà Nội giao nhiệm vụ cho các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Long Biên, Hoàng Mai, Hà Đông cùng Công an TP và các Sở GTVT, Xây dựng, từ 10/8, ra quân lập lại trật tự đô thị. Trong đó tập trung kiểm tra, xử lý các vi phạm về trông giữ phương tiện, lấn chiếm hè phố, lòng đường để kinh doanh buôn bán, đỗ dừng sai quy định. |