Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo chủ trì hội nghị.
Dự hội nghị có Phó Chủ tịch UBND TP Vũ Thu Hà - Phó Trưởng ban Chỉ đạo; các thành viên Ban Chỉ đạo; đại diện lãnh đạo các sở, ngành của TP và Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã.
Phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đạt 97,1%
Báo cáo tại hội nghị về kết quả triển khai đầu tư, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025, Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội Lê Anh Quân (Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo) cho biết, theo Nghị quyết 02/NQ-HĐND ngày 8/4/2022 của HĐND TP dự kiến kế hoạch vốn đầu tư 3 lĩnh vực dự trong giai đoạn 2021-2025 là 41.105,5 tỷ đồng để thực hiện 1.310 dự án (227 dự án cấp TP; 1.083 dự án cấp huyện), trong đó: lĩnh vực giáo dục 20.913,8 tỷ đồng với 653 dự án; lĩnh vực y tế 10.407,5 tỷ đồng với 237 dự án; lĩnh vực di tích 9.784,5 tỷ đồng với 420 dự án.
Theo Nghị quyết số 12/NQ-HĐND ngày 4/7/2023 của HĐND TP, tổng kế hoạch trong giai đoạn 2021-2025 sau điều chỉnh là 37.746,3 tỷ đồng thực hiện 1.301 dự án.
Về kết quả bố trí vốn và giải ngân năm 2021-2023, tính đến tháng 8/2023, Ngân sách TP đã bố trí 16.083,61 tỷ đồng để thực hiện 854 dự án, trong đó với dự án TP quản lý đã bố trí 1.771,17 tỷ đồng với 40 dự án; Hỗ trợ cấp huyện đã bố trí 14.327,47 tỷ đồng với 814 dự án (đạt 65,6% kế hoạch ngân sách TP hỗ trợ giai đoạn 2021-2025); Ngân sách huyện đối ứng: 1.824,4/6.045,5 tỷ đồng, đạt 30,2% tổng vốn ngân sách huyện cần đối ứng giai đoạn 2021-2025.
Về tiến độ triển khai thực hiện các dự án, đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.264 dự án (đạt 97,1% số dự án thực hiện trong giai đoạn 2021-2025). Trong đó đã phê duyệt 907 dự án (đạt 69,6%), đã khởi công và triển khai xây dựng 618 dự án (47,5%).
Cụ thể, có 123 dự án thuộc TP quản lý, trong lĩnh vực giáo dục có 28/37 dự án đã phê duyệt chủ trương đầu tư, còn 9 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; trong lĩnh vực di tích có 58 dự án, đã duyệt chủ trương đầu tư 21 dự án, còn 28 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư; lĩnh vực y tế có 37 dự án (trong đó: 33 dự án đầu tư công và 4 dự án đầu tư nguồn vốn xã hội hoá), đã duyệt/trình duyệt chủ trương đầu tư 28/33 dự án, còn 5 dự án chưa phê duyệt chủ trương đầu tư...
Cấp huyện có tổng số 1.235 dự án. Giai đoạn 2021-2025 dự kiến thực hiện 1.080 dự án, trong đó đã phê duyệt chủ trương đầu tư 1.106 dự án (96,8% số dự án); đã phê duyệt 842 dự án (78%); đã khởi công xây dựng 578 dự án. Lũy kế đến hết 2023 hoàn thành 561 dự án.
Đề nghị bổ sung thêm 4.702,8 tỷ đồng thực hiện 56 dự án trường THPT
Giám đốc Sở KH&ĐT cho biết, về kết quả rà soát đối với đề nghị tăng quy mô đầu tư, tăng mức vốn hỗ trợ đối với các trường THPT phân cấp, theo báo cáo thống kê của Sở GD&ĐT có 22 đơn vị (8 quận và 14 huyện) gửi báo cáo rà soát tăng quy mô đầu tư và tổng mức đầu tư của 72 dự án. Trong đó 16 đơn vị đề nghị TP bổ sung thêm 4.702,8 tỷ đồng thực hiện 56 dự án (không bao gồm kế hoạch đã dự kiến 1.490,118 tỷ đồng); 6 đơn vị báo cáo có 16 dự án tăng quy mô nhưng không đề nghị bổ sung vốn.
Căn cứ vào đề xuất của các đơn vị, Sở KH&ĐT đã chủ trì họp liên Sở (GD&ĐT, Xây dựng, Tài chính) và 16 quận, huyện, thị xã để rà soát 56 dự án đang đề xuất TP bổ sung vốn hỗ trợ. Sau rà soát, có 14 quận, huyện, thị xã đề nghị tăng mức vốn hỗ trợ đối với 45 dự án (do tăng quy mô và tổng mức đầu tư) 3.307 tỷ đồng.
Liên sở đề xuất TP hỗ trợ kinh phí xây lắp và thiết bị. Phần kinh phí giải phóng mặt bằng, các chi phí khác thuộc trách nhiệm đối ứng của cấp huyện. Thứ tự ưu tiên gồm: Dự án đã có trong danh mục và sẽ hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025; Nhóm dự án thuộc các quận nội đô thiếu trường lớp (Đống Đa, Hoàng Mai); Nhóm dự án cần ưu tiên để bổ sung tiêu chí trường đạt chuẩn thuộc các huyện có đề án lên quận; Nhóm dự án thuộc các huyện khó khăn và có tỷ lệ trường đạt chuẩn thấp so với tỷ lệ bình quân chung của toàn TP (Phú Xuyên, Ứng Hòa, Ba Vì, Phúc Thọ, Thạch Thất, Thanh Oai, Mê Linh).
Khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các quận, huyện, sở ngành đã báo cáo một số khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện các dự án tại địa phương, đồng thời kiến nghị, đề xuất một số giải pháp để điều chỉnh quy hoạch, huy động nguồn vốn, xác định vị trí ưu tiên các danh mục dự án.
Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn, Trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh, kế hoạch đầu tư xây dựng, cải tạo trường học công lập đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 và các năm tiếp theo của thành phố nhằm cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP lần thứ XVII, các Chương trình công tác của Thành ủy trong lĩnh vực giáo dục, y tế và văn hóa. Đây là chủ trương lớn được Thành ủy quan tâm chỉ đạo, đặc biệt Thành ủy đã ban hành Quyết định số 4920-QĐ/TU kiện toàn Ban Chỉ đạo triển khai đầu tư 3 lĩnh vực của thành phố, nhằm đảm bảo kịp thời trong công tác chỉ đạo điều hành của TP.
Để đảm bảo tiến độ triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư của 3 lĩnh vực đạt mục tiêu, yêu cầu, chất lượng, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu, UBND TP chỉ đạo các đơn vị khẩn trương đẩy nhanh tiến độ lập báo cáo đề xuất, trình thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án. Phấn đấu hoàn thành phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án thuộc danh mục Kế hoạch tại kỳ họp cuối năm 2023.
Các quận, huyện, thị xã, các chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ lập, thẩm định, phê duyệt dự án để đủ điều kiện bố trí kế hoạch vốn, sớm khởi công công trình; triển khai thực hiện đảm bảo chất lượng công trình, tiết kiệm, đầu tư hiệu quả. Các huyện, thị xã rà soát nguồn vốn và cân đối, bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án, nếu có khó khăn kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo để có hướng tháo gỡ kịp thời.