Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rà soát, đánh giá lại Quỹ bảo hiểm thất nghiệp

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 19/6, các ĐBQH đã thảo luận về Dự án Luật Việc làm, đây là lần đầu tiên Dự án Luật được trình ra Quốc hội. Các quy định về tuyển dụng, cấp chứng chỉ nghề, bảo hiểm thất nghiệp... nhận được nhiều ý kiến tranh luận.

 
 
Thảo luận xung quanh quy định cấp chứng chỉ kỹ năng nghề, ĐB Nguyễn Hữu Đức (đoàn Đồng Tháp) cho rằng: "Lâu nay, chúng ta mới chú trọng tới công tác tạo việc làm, chưa chú trọng tới chất lượng. Việc cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia là cần thiết nhằm cải thiện chất lượng lao động". Theo Dự án Luật, quy định này chỉ áp dụng đối với ngành nghề kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất, dịch vụ và được thực hiện theo yêu cầu của người lao động. Tuy nhiên, các ĐB đề nghị, cần quy định cụ thể về quy trình, thủ tục đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề. Theo ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội), Dự án Luật cần loại trừ các đối tượng đã qua đào tạo tại các cơ sở đào tạo nghề, không cần có chứng chỉ hành nghề vì các đối tượng này là các đối tượng điều chỉnh của các luật khác và đã được xác định tay nghề, chuyên môn bởi những đơn vị đủ điều kiện cơ sở vật chất và năng lực. Nếu họ lại phải qua đánh giá thì vô hình chung, sẽ hình thành giấy phép con, không cần thiết và làm phát sinh bộ máy.
 
Rà soát, đánh giá lại Quỹ bảo hiểm thất nghiệp - Ảnh 1
 
Đại biểu Quốc hội trao đổi trong giờ giải lao. Ảnh: TTXVN
 

Việc chuyển nội dung quy định về bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) từ Luật BHXH sang Luật Việc làm và mở rộng đối tượng tham gia BHTN nhằm tăng tính bền vững của việc làm được phần lớn ĐB tán thành. Nhưng với khoảng 67% lực lượng lao động không có quan hệ lao động, các ĐB lưu ý, việc mở rộng và quản lý các đối tượng này tham gia BHTN là khá phức tạp và quỹ dễ bị lạm dụng do những khó khăn trong việc xác định tình trạng thất nghiệp, công tác thu - chi, khả năng quản lý đối tượng… Do đó, Dự án Luật chỉ nên dừng lại ở nhóm lao động có hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 3 tháng đến dưới 12 tháng. Đối với nhóm lao động còn lại do chưa có kinh nghiệm, Dự thảo Luật nên quy định nguyên tắc, giao cho Chính phủ trong từng giai đoạn quy định điều kiện để tổ chức thực hiện phù hợp với khả năng quản lý và trình độ phát triển kinh tế - xã hội.  ĐB Nguyễn Thu Anh (đoàn Lâm Đồng) cho rằng: Cần đánh giá lại toàn diện tình hình hoạt động của Quỹ BHTN trong 3 năm qua để có sự điều chỉnh, bổ sung cần thiết. "Tại sao năm 2012 Quỹ này kết dư tới hơn 4.000 tỷ đồng; kết dư tích lũy đến hết 2012 gần 22.000 tỷ đồng, nhưng trong 3 năm lại chỉ có 1% số người lao động thất nghiệp được đào tạo nghề nhờ Quỹ này?" - ĐB Nguyễn Thu Anh đặt câu hỏi. Từ đó, có thể thấy, người lao động mất việc có tâm lý chỉ nhìn vào "con cá" là khoản tiền hỗ trợ được nhận mà không quan tâm đúng mức đến "chiếc cần câu" là công tác đào tạo nghề, điều kiện giúp họ có được nguồn thu nhập ổn định trong tương lai.

Liên quan đến đối tượng điều chỉnh của Dự án Luật, ĐB Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) đề nghị rà soát lại để tránh chồng chéo. Cụ thể, đội ngũ cán bộ, công chức viên chức, các chức danh tư pháp (khoảng 33% thị trường lao động) đã được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật này. ĐB Đặng Thuần Phong (đoàn Bến Tre) cũng băn khoăn khi Dự án Luật chưa dành được nhiều ưu tiên cho khu vực phi chính thức như mong muốn, đặc biệt lao động chưa có tay nghề ở khu vực thành thị, lao động di cư tự do...  Đồng thời, cần bổ sung quy định về trách nhiệm tạo ra việc làm bền vững là của toàn xã hội, từ Nhà nước, doanh nghiệp, các tổ chức xã hội nghề nghiệp cho đến gia đình và bản thân người lao động.

Đồng ý giảm mức thuế suất phổ thông xuống 22%

Chiều 19/6, với hơn 90% số đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng.

Trong đó, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp giảm mức thuế suất phổ thông xuống còn 22% so với mức cũ là 25% bắt đầu áp dụng từ 1/1/2014 và từ 1/1/2016 giảm xuống 20%. Đáng chú ý, Luật bổ sung hai đối tượng doanh nghiệp có mức thuế suất ưu đãi hơn và bắt đầu áp dụng từ 1/7/2013: Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được áp mức thuế suất là 20%; thu nhập của doanh nghiệp từ thực hiện dự án đầu tư - kinh doanh nhà ở xã hội áp thuế suất 10%. Các đơn vị hoạt động báo in sẽ được miễn thuế suất từ 25% xuống còn 10%, tuy nhiên các loài hình báo chí còn lại như điện tử, truyền hình sẽ không được giảm.

Theo Dự án Luật bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng vừa được thông qua, kể từ 1/7/2013 đến 30/6/2014 nhà ở xã hội và nhà ở có diện tích dưới 70m2 , giá dưới 15 triệu đồng/m2 sẽ chỉ phải chịu thuế suất 5%, giảm một nửa so với mức cũ.

Chiều cùng ngày, Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phòng, chống khủng bố; Luật Giáo dục, quốc phòng an ninh và Luật Phòng chống giảm nhẹ thiên tai.