Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rà soát, để quy định của Luật tạo đột phá cho phát triển công nghệ số

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Ngày 6/1, tại phiên họp thứ 41, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nôi dung họp. Ảnh: Quochoi.vn
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nôi dung họp. Ảnh: Quochoi.vn

Đây là Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và sẽ biểu quyết thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, tài sản số là vấn đề mới, thay đổi nhanh cần có sự đầu tư nghiên cứu, rà soát kỹ hơn và nên giao Chính phủ quy định chi tiết; ý kiến khác cho rằng, cần nghiên cứu để bổ sung quy định về các loại tài sản số trong dự thảo luật. Để có thêm cơ sở lý luận và thực tiễn hoàn thiện nội dung này, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ & Môi trường của Quốc hội đã phối hợp tổ chức làm việc với các cơ quan chuyên môn có liên quan.

Qua nghiên cứu, trao đổi, thảo luận, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT thấy rằng, tài sản số là vấn đề mới, phức tạp, phát triển, thay đổi nhanh chóng; hiện nay trên thế giới cũng chưa có khung pháp lý quy định đầy đủ về vấn đề này và vẫn còn có quan điểm khác nhau. 

“Do đó, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, thống nhất quy định khung về vấn đề này (Điều 13 và Điều 14) như khái niệm, phân loại tài sản số dựa trên mục đích sử dụng, công nghệ và các tiêu chí khác; giao Chính phủ quy định phân loại, thẩm quyền, nội dung quản lý tài sản số, cung ứng dịch vụ tài sản số phù hợp với điều kiện thực tiễn” - Chủ nhiệm Lê Quang Huy cho biết.

Cũng theo Chủ nhiệm Lê Quang Huy, có ý kiến đề nghị xem xét có cần sửa Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử, Luật Chứng khoán hay không khi quy định về tài sản số trong dự thảo luật.

Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy các quy định về tài sản số trong Dự thảo Luật sau khi tiếp thu, chỉnh lý, không chồng chéo, mâu thuẫn với pháp luật hiện hành; không phải sửa đổi Bộ luật Dân sự, Luật Giao dịch điện tử và Luật Chứng khoán.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày báo cáo. Ảnh: Quochoi.vn

Về ưu đãi cho công nghiệp bán dẫn, Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường thấy rằng, để thể chế hóa kịp thời chủ trương của Đảng, nắm bắt được thời cơ phát triển công nghiệp bán dẫn, cần nghiên cứu, bổ sung các cơ chế ưu đãi thực sự vượt trội, có tính đột phá, tạo lợi thế cạnh tranh. Trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, một số quy định ưu đãi đối với công nghiệp bán dẫn trong dự thảo Luật đã được chỉnh lý như chi phí thực tế cho hoạt động nghiên cứu, phát triển lĩnh vực bán dẫn của doanh nghiệp được tính bằng 150% khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp; quy định Nhà nước hỗ trợ trực tiếp chi phí không quá 10% tổng đầu tư của dự án để đầu tư xây dựng nhà máy, hạ tầng kỹ thuật, trang thiết bị máy móc từ nguồn chi đầu tư phát triển từ ngân sách.

Thảo luận tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho rằng, Dự án Luật cần tiếp tục rà soát, thể chế hoá các chính sách của Nghị quyết 57-NQ/TƯ về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Tài sản số biến động rất nhanh, do đó chỉ quy định nguyên tắc còn lại giao cho Chính phủ quy định.

“Như vấn đề tiền Bitcoin có câu chuyện người dân sử dụng trong giao dịch, thậm chí giao dịch quốc tế. Vì vậy cần rà soát lại với Luật phòng chống rửa tiền. Các nước đã quy định về vấn đề tiền Bitcoin vậy luật này có bao quát hay chỉ quy định khung, còn giao lại cho Chính phủ quy định” - Chủ nhiệm Vũ Hồng Thanh nói. Đồng thời đề nghị dữ liệu số, bigdata cũng cần được rà soát lại với Luật Dữ liệu, Luật Công nghệ thông tin để bảo đảm thống nhất.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho rằng, vừa qua Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đây là Nghị quyết rất quan trọng, các cơ quan có thẩm quyền đang thành lập Ban Chỉ đạo do Tổng Bí thư trực tiếp làm Trưởng ban. Tới đây Bộ Chính trị sẽ chủ trì triển khai quán triệt Nghị quyết 57-NQ/TW vào ngày 13/1.

Chủ tịch Quốc hội lưu ý, luật này được soạn thảo ở thời điểm chưa có Nghị quyết 57-NQ/TWƯ. Do đó, khi trình Dự án Luật tại Kỳ họp thứ 9 cần bổ sung thêm, bám sát tinh thần Nghị quyết 57-NQ/TW để Luật thực sự tạo đột phá cho phát triển công nghệ số.