Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh:

Rà soát, đề xuất quy định đặc thù, tiến bộ cho Luật Thủ đô (sửa đổi)

Linh Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Chiều nay, 24/2, tại Hội nghị lần thứ 7, BCH Đảng bộ TP Hà Nội, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh đã giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đối với Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chiều nay, 24/2, tiếp tục chương trình Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII, các đồng chí trong Thường trực Thành ủy đã báo cáo, giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề trước Ban Chấp hành Đảng bộ TP về 4 nhóm vấn đề được thảo luận tại các tổ trước đó.

Chủ trì Hội nghị có: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP Đinh Tiến Dũng; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP đã báo cáo, giải trình những ý kiến góp ý đối với Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô và Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Chủ tịch UBND TP cho biết, qua thảo luận tại tổ, các đại biểu đã có một số ý kiến góp ý đối với hai nội dung này, thể hiện sự tâm huyết, trách nhiệm, đóng góp thêm những quan điểm, định hướng, cơ sở lý luận, thực tiễn rất sâu sắc, chất lượng cho việc hoàn thiện các báo cáo, đặc biệt là các chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi). Ban Cán sự Đảng UBND TP ghi nhận đầy đủ.

Phát huy những quy định ưu việt của Luật Thủ đô hiện hành

Trước hết, về Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô, qua thảo luận tại tổ, các đại biểu có nêu, báo cáo đánh giá: “Sau khi Luật Thủ đô được thông qua và có hiệu lực thi hành, Quốc hội đã ban hành một số đạo luật để cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013. Các luật đã cập nhật, bổ sung hoặc bãi bỏ một số quy định của Luật Thủ đô dẫn đến nhiều chính sách trong Luật Thủ đô không còn là đặc thù. Do đó, đã ảnh hưởng các quy định liên quan của Luật Thủ đô, đặc biệt những văn bản quy định chi tiết thi hành (Nghị quyết, Quyết định của Thành phố) theo thứ bậc giá trị pháp lý bị hạn chế bởi quy định Luật, Nghị định, Thông tư, dẫn đến làm mất hiệu lực thi hành, giá trị pháp lý của những chính sách đặc thù cho Hà Nội”. Theo các đại biểu, cần xem lại nhận định này, vì các Luật đều ban hành trên quan điểm, chỉ đạo định hướng của Đảng, việc cho rằng các Luật khác làm cho Luật Thủ đô mất hiệu lực thi hành là chưa phù hợp.

Với ý kiến này, Chủ tịch UBND TP khẳng định, Ban Cán sự Đảng UBND TP xin tiếp thu, sẽ có điều chỉnh phù hợp. Chủ tịch UBND TP cũng phân tích thêm, tại Báo cáo tổng kết đã chỉ rõ: Nhiều nội dung của Luật Thủ đô đã được các Luật ban hành sau đã cập nhật, quy định giống như Luật Thủ đô, có trường hợp quy định khác với Luật Thủ đô về cùng một vấn đề (như Luật Quy hoạch, Luật quy hoạch đô thị, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Xây dựng...), có trường hợp bãi bỏ quy định của Luật Thủ đô... Chính vì vậy làm cho Luật Thủ đô có những điều khoản không còn là giá trị riêng của Thủ đô hoặc không thể áp dụng. Trong khi hiện nay, nguyên tắc áp dụng pháp luật là đối với trường hợp 2 văn bản QPPL có giá trị pháp lý ngang nhau (do một cơ quan ban hành) cùng quy định về một vấn đề thì phải áp dụng văn bản ban hành sau. Về thứ bậc giá trị pháp lý của văn bản thì nghị quyết của HĐND TP, Quyết định của UBND TP thấp hơn thông tư, nghị định, Luật, nên các quy định đặc thù của Nghị quyết, Quyết định của TP nếu không phù hợp các văn bản của T.Ư thì sẽ không thể áp dụng được.

Rà soát, đề xuất quy định đặc thù, tiến bộ cho Luật Thủ đô (sửa đổi) - Ảnh 1Chủ tịch UBND TP Hà Nội Chu Ngọc Anh phát biểu tại Hội nghị

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP cho biết, Thường trực Thành ủy, Bí thư Thành ủy đã có ý kiến: Luật Thủ đô có nhiều quy định tiến bộ, đến nay còn giữ nguyên giá trị, như: Quy định về việc trong nội thành không mở rộng diện tích sử dụng đất và quy mô giường bệnh của các bệnh viện hiện có; không xây dựng mới KCN, cơ sở sản xuất công nghiệp ngoài KCN, CCN, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Quy định về di dời một số cơ sở sản xuất công nghiệp ra khỏi nội thành; di dời một số bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp ra khỏi nội thành hoặc xây dựng cơ sở khác của các bệnh viện, cơ sở này ở bên ngoài nội thành và quỹ đất sau khi di dời các cơ sở ưu tiên để xây dựng, phát triển các công trình công cộng, công trình hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật; không được sử dụng để xây dựng chung cư cao tầng sai quy hoạch… Đồng thời, cần đánh giá chính xác nguyên nhân của việc không triển khai thi hành hiệu quả Luật Thủ đô là do trách nhiệm tổ chức thực hiện của TP hay do pháp luật thiếu khả thi.

Nhấn mạnh Ban Cán sự Đảng UBND TP xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thường trực Thành ủy và sẽ bổ sung, làm rõ hơn trong báo cáo, Chủ tịch UBND TP đã giải trình cụ thể thêm. Trong đó khẳng định, tại báo cáo toàn văn về tổng kết thi hành Luật Thủ đô cũng đã cơ bản đánh giá kết quả thực hiện và những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân chủ quan, khách quan của tồn tại, hạn chế trong việc thi hành Luật Thủ đô; đã nhận định tồn tại, hạn chế do nguyên nhân chủ quan là trách nhiệm tổ chức thi hành Luật của TP còn hạn chế, có những nội dung chưa quyết liệt đề xuất T.Ư, phối hợp các bộ, ngành, địa phương để thực hiện. Đồng thời, cũng nêu ra những nguyên nhân khách quan liên quan thể chế, đến trách nhiệm của các cơ quan khác, nguồn lực tổ chức thực hiện. Như trong trường hợp di dời trụ sở cơ quan, đơn vị T.Ư, cơ sở công nghiệp, cơ sở đại học, bệnh viện gặp nhiều vướng mắc về bố trí quỹ đất, nguồn lực tài chính để thực hiện việc di dời; một số bệnh viện đã đầu tư xây dựng cơ sở mới nhưng không giảm mà còn tăng quy mô giường bệnh tại cơ sở cũ trong nội thành... Đây là các cơ sở, đơn vị do T.Ư quản lý, nên việc TP có thể quyết định các biện pháp thực hiện trong vấn đề này rất khó khăn, gặp rất nhiều rào cản.

“Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện những chính sách, giải pháp nhằm cụ thể hóa, phát huy những quy định tiến bộ, ưu việt của Luật Thủ đô hiện hành để việc đề xuất ban hành Luật Thủ đô (sửa đổi) thực sự có giá trị thực tiễn, đi vào cuộc sống một cách hiệu lực, hiệu quả” - Chủ tịch UBND TP nêu rõ.

Nghiên cứu kỹ, tiếp thu các góp ý vào xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi)

Cũng tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp thu, giải trình cụ thể trước 11 nhóm ý kiến thảo luận xung quanh Báo cáo tổng hợp đề xuất chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi), liên quan đến 16 vấn đề chính sách.

Quang cảnh Hội nghị lần thứ 7, BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII
Quang cảnh Hội nghị lần thứ 7, BCH Đảng bộ TP Hà Nội khóa XVII

Trong đó đáng chú ý, đối với mô hình tổ chức chính quyền, một số đại biểu thể hiện băn khoăn với đề xuất không tổ chức HĐND quận, huyện, thị xã, HĐND phường, thị trấn. Đây là vấn đề rất quan trọng, các địa phương mới đang thực hiện thí điểm; tại Hà Nội cũng mới thí điểm không tổ chức HĐND phường từ tháng 7/2021. Do đó không nên nóng vội đề xuất vấn đề này trong Nghị quyết mới của Bộ Chính trị và chính sách Luật Thủ đô; cần có tổng kết kỹ lưỡng kết quả thí điểm để đảm bảo việc đề xuất đảm bảo phù hợp, ổn định. Về vấn đề này, Bí thư Thành ủy cũng đã chỉ đạo không nên đề cập trong dự thảo Nghị quyết mới của Bộ Chính trị và chính sách Luật Thủ đô. Ban Thường vụ Thành ủy đã thống nhất cần đánh giá xem xét kỹ lưỡng kết quả thí điểm thực hiện mô hình chính quyền đô thị theo Nghị quyết 97 của Quốc hội trước khi đề xuất.

Chủ tịch UBND TP cho hay, Ban Cán sự Đảng UBND TP xin tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Bí thư Thành ủy và các đại biểu để điều chỉnh nội dung này tại báo cáo đề xuất chính sách. Theo Chủ tịch UBND TP, việc đề xuất không tổ chức HĐND ở cấp huyện và phường, thị trấn xuất phát từ việc nghiên cứu kết quả thực hiện thí điểm của 10 tỉnh, TP trong thời gian trước, và hiện TP Hồ Chí Minh đã chính thức thực hiện không tổ chức HĐND quận, phường (theo Nghị quyết 131 của Quốc hội), TP Đà Nẵng cũng đang thí điểm không tổ chức HĐND quận, phường. Đồng thời, đề xuất này được sự góp ý, kiến nghị chính sách của nhiều chuyên gia, nhà khoa học trong ngành tổ chức, ý kiến thống nhất của một số cơ quan T.Ư. Trong quá trình khảo sát, lấy ý kiến của một số quận, huyện, tổ soạn thảo Luật Thủ đô cũng nhận được các ý kiến nêu rõ về thực trạng hoạt động HĐND cấp huyện, xã và thống nhất cao với đề xuất này. Tuy nhiên, Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng nhận thấy vấn đề này cần thiết được xem xét thận trọng. Việc xây dựng mô hình cụ thể sẽ được tiếp tục xin ý kiến các cơ quan T.Ư, Bộ Chính trị trước khi đề xuất mô hình cụ thể, đưa vào xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Bên cạnh đó, trong phiên thảo luận có một số đại biểu đề nghị làm rõ mô hình tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của mô hình thành phố thuộc Thủ đô, tránh những hạn chế hiện nay của TP Thủ Đức. Về ý kiến này, Chủ tịch UBND TP nhận định là rất xác đáng, trong quá trình xây dựng đề xuất chính sách, đây cũng là vấn đề Tổ soạn thảo đã đặt ra và nghiên cứu. Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu những kinh nghiệm thực tiễn trong tổ chức hoạt động của chính quyền TP Thủ Đức và định hướng chỉ đạo của T.Ư để hoàn thiện hơn.

Cũng tại thảo luận, một số ý kiến đề cập chính sách phát triển giáo dục đào tạo Thủ đô, với các ý kiến đồng tình và không đồng tình về việc phân quyền cho TP được điều chỉnh chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, bổ sung môn học, hoạt động giáo dục riêng. Trước ý kiến này, Chủ tịch UBND TP cho hay, về đề xuất điều chỉnh, bổ sung chương trình giáo dục là nhằm hướng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học của các trường học, học sinh trên địa bàn Thủ đô, phù hợp điều kiện kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô theo hướng tiệm cận nền giáo dục của khu vực và quốc tế. Việc đề xuất giải pháp chính sách này nhằm tạo chủ động cho TP trong việc đưa nội dung, phương pháp giảng dạy tiên tiến vào trường học, bổ sung những nội dung giáo dục về truyền thống, văn hóa, lịch sử, nếp sống văn minh thanh lịch của người Hà Nội, hướng tới xây dựng thế hệ công dân Thủ đô tương lai có kiến thức, trí tuệ, thể chất, nếp sống văn minh, hiện đại, sẵn sàng hội nhập quốc tế, nhưng cũng mang đậm giá trị truyền thống văn hóa Thăng Long-Hà Nội.

Ngoài ra, liên quan chính sách đất đai, có đại biểu đề nghị có cơ chế cho phép Thủ đô được chuyển đổi đất trồng lúa không hiệu quả sang đất phi nông nghiệp. Chủ tịch UBND TP cho biết: Ban Cán sự Đảng UBND TP tiếp thu và sẽ chỉ đạo nghiên cứu kỹ hơn. Trong quá trình nghiên cứu xây dựng chính sách, vấn đề này cũng đã được thảo luận. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng việc cho phép chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại đất phi nông nghiệp sẽ ảnh hưởng đến an ninh lương thực và dễ dẫn đến lạm dụng quy định này để phát triển đô thị, chuyển đổi thành đất ở, đất thương mại dịch vụ, phá vỡ quy hoạch. Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng thấy rằng việc cho phép Thủ đô được chuyển đổi đất trồng lúa sang đất phi nông nghiệp đúng quy hoạch là cần thiết. Nội dung này sẽ được nghiên cứu, bổ sung thêm vào các chính sách. 

Cũng tại phiên giải trình, Chủ tịch UBND TP cho hay có một số đại biểu đề cập vấn đề thuế phí, tăng cường phân quyền, phân cấp cho Thủ đô trong nhiều lĩnh vực, từ đầu tư, quy hoạch xây dựng, đất đai, y tế, giáo dục, KHCN, giải quyết bất cập về GPMB, thu hồi đất… Những nội dung này đã được đề cập, đưa ra biện pháp, giải pháp về mặt thể chế ở Báo cáo chung về tổng hợp chính sách xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

“Nhìn chung, 16 vấn đề chính sách được đề cập trong các tổ thảo luận liên quan Luật Thủ đô là những vấn đề hoàn toàn mới, là sửa đổi, bổ sung toàn diện cho Luật Thủ đô; ngoài ra những vấn đề sửa đổi cụ thể và kế thừa những điều khoản còn nguyên giá trị của Luật Thủ đô cũng đã được tổng hợp tại phụ lục kèm theo. Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ chỉ đạo các cơ quan liên quan, tổ soạn thảo tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng, tiếp thu góp ý của các đại biểu để bổ sung, hoàn thiện một cách cơ bản, toàn diện các chính sách theo định hướng, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp được nêu tại dự thảo Nghị quyết của Bộ Chính về xây dựng, phát triển Thủ đô trong giai đoạn tới” - Chủ tịch UBND TP khẳng định.