70 năm giải phóng Thủ đô

Hà Nội:

Rà soát, thí điểm để từng bước hoàn thiện Đề án phân cấp, ủy quyền

Thanh Hải - Thuỷ Tiên - Trần Long
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo lãnh đạo UBND TP Hà Nội, việc phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước sẽ là việc làm thường xuyên, liên tục. TP sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện thí điểm trên một số địa bàn để từ đó có đánh giá, tiếp tục hoàn thiện Đề án.

Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP, sáng 31/8.
Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội phát biểu tại Hội nghị Ban chấp hành Đảng bộ TP, sáng 31/8.

Sáng 31/8, Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội (khóa XVII) tổ chức Hội nghị chuyên đề bàn về một số nội dung: Đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP Hà Nội; cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP; điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công năm 2022 của TP; định hướng Kế hoạch đầu tư công năm 2023 của TP.

Thay mặt Ban Cán sự Đảng UBND TP, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải đã phát biểu tiếp thu và giải trình làm rõ thêm một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, đa số các ý kiến bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với việc đẩy mạnh thực hiện đề án phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP; sự cần thiết phải cập nhật, điều chỉnh Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của TP. Qua thảo luận, các đại biểu cũng đánh giá kỹ các nội dung cần triển khai và đưa ra những giải pháp để thực hiện trong những tháng cuối năm 2022 và năm 2023.

Phân cấp, ủy quyền sẽ là việc làm thường xuyên, liên tục

Về nội dung phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết: Cơ bản các ý kiến của các đại biểu đánh giá cao, khẳng định sự thống nhất để thực hiện nhiệm vụ này.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tiếp thu, giải trình. 
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải phát biểu tiếp thu, giải trình. 

Về quy định cụ thể, trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015, quy định phân cấp căn cứ vào yêu cầu công tác, khả năng thực hiện, tình hình cụ thể của địa phương, cơ quan Nhà nước T.Ư, địa phương có quyền phân cấp cho chính quyền địa phương hoặc cơ quan Nhà nước cấp dưới thực hiện liên tục, thường xuyên một số nhiệm vụ quyền hạn, thẩm quyền của mình.

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi năm 2019 là căn cứ để Hà Nội triển khai Đề phân cấp, ủy quyền. Trong đó, việc phân quyền cho các cấp chính quyền địa phương phải được quy định trong Luật. Luật cũng quy định nhiệm vụ quyền hạn cụ thể mà chính quyền địa phương không được phân cấp ủy quyền cho cơ quan nhà nước cấp dưới hoặc cơ quan nhà nước khác.

"Với nội dung này, cơ bản các nội dung thẩm quyền giao cho chính quyền địa phương đều có thể thực hiện phân cấp, ủy quyền. Cơ quan cấp trên có thể ủy quyền cho cơ quan cấp dưới trực tiếp; UBND có thể ủy quyền cho cơ quan chuyên môn cùng cấp; Chủ tịch UBND có thể ủy quyền cho Phó Chủ tịch UBND, người đứng đầu cơ quan chuyên môn cơ quan cùng cấp, Chủ tịch UBND cấp dưới thực hiện nhiệm vụ"- Phó Chủ tịch UBND TP thông tin.

Đồng thời cho biết, về sự cần thiết phải phân cấp ủy quyền, TP thực hiện nghiêm túc theo tinh thần các Nghị quyết của T.Ư và TP'  tinh thần chỉ đạo của Thường trực, Ban Thường vụ, Bí thư Thành ủy; liên quan đến xây dựng chính quyền đô thị, chính quyền số…

Phó Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, về mục tiêu phân cấp, ủy quyền, qua thảo luận, các đại biểu đều thống nhất cao và nhấn mạnh đến mục tiêu giảm tầng nấc trung gian, đặt mục tiêu hiệu lực hiệu quả. Bên cạnh đó, cần quan tâm đến vấn đề xã hội hóa, những nội dung nào tư nhân không thể làm thì nhà nước mới làm; đẩy mạnh vấn đề tự chủ; giảm đầu mối, tầng nấc sẽ thời gian giải quyết, chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp.

Các đại biểu đề nghị nghiên cứu tiếp tục phân cấp cho các phường. Tuy nhiên, theo Phó Chủ tịch UBND TP, do phân cấp sẽ liên quan đến nguồn lực và nhân lực, do đó các phường sẽ tập trung nhiều hơn cho vấn đề ủy quyền. TP sẽ tiếp tục nghiên cứu và tổ chức thực hiện thí điểm đối với từng địa bàn để tiếp tục hoàn thiện Đề án này.

Quang cảnh hội nghị. 
Quang cảnh hội nghị. 

“Phân cấp, ủy quyền quản lý nhà nước sẽ là việc làm thường xuyên, liên tục. Đề án lần này chỉ là bước đầu, TP sẽ tiếp tục rà soát để báo cáo” – Phó Chủ tịch UBND TP nói. Đồng thời cho biết, TP sẽ rà soát toàn bộ quy trình, đặc biệt là quy trình liên thông; rà soát quy chuẩn định mức, đảm bảo thống nhất; tiếp tục xây dựng cơ sở dữ liệu để làm căn cứ cho MTTQ và Nhân dân giám sát.

Tháo gỡ những “điểm nghẽn” trong giải ngân vốn đầu tư công

Về kế hoạch đầu tư công, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, ngay từ đầu năm 2022, TP đã giao kế hoạch là hơn hơn 51.582,9 tỷ đồng (bằng với Kế hoạch T.Ư giao). Bố trí vốn thực hiện Kế hoạch nhiệm vụ dự án cấp TP là 21.818 tỷ đồng với 147 dự án; cấp huyện là 29.259 tỷ đồng.

TP đã triển khai rất nhiều giải pháp để thúc đẩy tiến độ. Tuy nhiên đến ngày 28/8, tỷ lệ giải ngân chung của TP mới đạt 14.319 tỷ đồng (28% kế hoạch), thấp hơn so với yêu cầu.

Để thúc đấy tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu đã thảo luận. Đồng thời, chỉ đạo rà soát danh mục các dự án chuyển tiếp, dự án mới, ưu tiên bố trí vốn cho các dự án hoàn thành; rà soát sự cần thiết và khả năng thực hiện của từng dự án mới, khả năng cân đối vốn của từng ngành, lĩnh vực để lựa chọn danh mục theo thứ tự. Trong đó sẽ ưu tiên các dự phát triển hạ tầng giao thông, trường hợp các dự án có vướng mắc kéo dài, không thể hoàn thành trong giai đoạn 2021-2025 thì xem xét giãn tiến độ bố trí vốn sang giai đoạn sau.

Bên cạnh đó, TP tập trung tháo gỡ khó khăn, đặc biệt là “điểm nghẽn” trong thực hiện các hạng mục đầu tư công như giải phóng mặt bằng, biến động giá, giá vật liệu xây dựng… Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, trước mắt, trong tháng 9/2022, lãnh đạo UBND TP sẽ tổ chức họp chuyên đề đề đôn đốc, rà soát tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đối với các dự án đầu tư công năm 2022.

Cùng với đó, chỉ đạo Sở TNMT, Sở Xây dựng báo cáo chuyên đề về tháo gỡ vướng mắc trong giải phóng mặt bằng đối với dự án địa bàn TP; và đẩy nhanh các thủ tục đầu tư, trọng tâm là phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, điều chỉnh dự án gói thầu, điều chỉnh công bố chỉ số giá xây dựng… Tiếp tục khẩn trương rà soát đối với các dự án trọng điểm và các dự án ODA. UBND TP đang xem xét thành lập Ban chỉ đạo để triển khai các dự án công trình trọng điểm.

Về kế hoạch đầu tư công năm 2023, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, TP sẽ tập trung vào thực hiện các nhiệm vụ, tập trung bố trí vốn vào các công trình trọng điểm, đặc biệt là dự án xây dựng đường Vành đai 4… Về phương án bổ sung nguồn lực cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trên cơ sở ý kiến của các đại biểu, Ban Cán sự Đảng UBND TP cũng báo cáo đề xuất với Ban Chấp hành Đảng bộ TP bổ sung nguồn cho kế hoạch giai đoạn 2021-2025 là 3 nghìn tỷ đồng tập trung cho các dự án trọng tâm cho giai đoạn này.

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. 
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. 

Theo Phó Chủ tịch UBND TP, qua rà soát và ý kiến của các đại biểu, hiện nay nguyên nhân cơ bản dẫn đến chậm giải ngân vốn đầu tư công là vì giải phóng mặt bằng, trong đó giá đền bù chậm so với yêu cầu; thiếu nhà tái định cư; về công tác chuẩn bị đầu tư; các dự án hoàn thành thì công tác bàn giao cũng còn gặp nhiều khó khăn; công tác phối hợp giữa các sở, ngành vớ các Ban quản lý dự án còn gặp vướng mắc…

Về giải pháp, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết: TP sẽ giao Sở TNMT, Sở KH-ĐT có chương trình cụ thể về rà soát các dự án của năm. Trong tháng 9/2022, UBND TP sẽ rà soát toàn bộ thứ tự ưu tiên, đặc biệt là các dự án giải quyết ùn tắc giao thông, môi trường.

Về định hướng năm 2023, cùng với đánh giá kỹ nguồn thu từ sử dụng đất và cổ phần hóa, TP cũng đã giao Sở Tài chính cùng quận, huyện đánh giá lại các vướng mắc, khó khăn, tránh nợ đọng xây dựng cơ bản.

Về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Minh Hải cho biết, căn cứ vào phân cấp kinh tế - xã hội, UBND TP đang giao Sở Tài chính cùng với các quận, huyện, sở ngành tiến hành phân cấp nguồn thu nhiệm vụ chi. Từ đó rà soát lại phân cấp để tổ chức bộ máy biên chế phù hợp theo quy mô từng đơn vị.

Phát biểu kết luận phần giải trình, Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, phiên thảo luận tại tổ đã ghi nhận trên 50 ý kiến của các đại biểu. Ban Cán sự Đảng UBND TP sẽ tiếp tục hoàn thiện các đề án, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả sau khi được HĐND TP thông qua tại Kỳ họp chuyên đề, dự kiến diễn ra vào ngày 12-13/9/2022.