Rà soát, xóa bỏ vướng mắc trong kê khai hóa đơn điện tử

Bài, ảnh: Trọng Mạnh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hơn 622.000 DN, đạt 99,64% thực hiện kê khai thuế điện tử, đó là thông tin được bà Vũ Thị Mai – Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết tại buổi đối thoại với DN về lĩnh vực thuế, hải quan do bộ này phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tại TP Hồ Chí Minh ngày 29/11.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai (giữa) tại buổi đối thoại.

Tuy nhiên, chia sẻ tại buổi đối thoại ông Nguyễn Hữu Hậu, đại diện Công ty Tân Tiến cho biết, thực hiện hóa đơn điện tử Công ty vẫn gặp một số vướng mắc trong quá trình đi đường, phải in hóa đơn điện tử ra sao cho khách hàng. DN kiến nghị hóa đơn điện tử nên để trên hệ thống quản lý thuế, khi cơ quan chức năng kiểm tra, DN chỉ cần đưa ra là thuận tiện nhất. Còn việc đăng nhập, xác thực hóa đơn điện tử, DN không biết để làm gì? Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế Cao Anh Tuấn đề nghị, Cục thuế TP Hồ Chí Minh kiểm tra, xử lý những vấn đề mà công ty Tân Tiến kiến nghị. Trước mắt DN vẫn in hóa đơn ra để phục vụ khách hàng trên đường đi công tác. Cơ quan thuế thừa nhận bất cập, đã thực hiện hóa đơn điện tử mà phải in giấy thì không hợp lý. Tổng cục Thuế đã đề xuất trường hợp đi trên đường không phải sử dụng hóa đơn giấy. Cơ quan kiểm tra có trách nhiệm tra cứu, không tra cứu được (trong trường hợp mạng yếu cũng cần giải quyết nhanh cho khách hàng và DN) thì cơ quan thuế cũng có trách nhiệm cập nhật thông tin hóa đơn điện tử lên website của cơ quan thuế. “Sắp tới Tổng cục Thuế sẽ hướng dẫn về quy định mới này để tạo thuận lợi cho DN”- ông Tuấn khẳng định.

Phó Chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá, Bộ Tài chính là cơ quan luôn đi đầu trong cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế và hải quan. Tuy nhiên, những thay đổi nhanh chóng cũng khiến không ít DN gặp khó khăn trong việc cập nhật, nắm bắt để tuân thủ đúng quy định.

“VCCI kiến nghị cần tiếp tục rà soát, sửa đổi các văn bản luật và dưới luật theo hướng tiếp cận thực tiễn, lấy ý kiến cộng đồng DN và chuyên gia để tránh tình trạng DN phản ánh luật, nghị định, thông tư thay đổi quá nhiều. Bên cạnh đó, cần có bộ phận hỗ trợ DN khi cần tư vấn, đặt tại các cục, chi cục thuế, hải quan. Cán bộ tiếp nhận thông tin và giải đáp cần có năng lực chuyên môn tốt và khả năng kết nối cao với các đơn vị chuyên môn trong ngành. Đồng thời Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cũng cần rà soát, tiến tới xóa bỏ các bản sao hồ sơ giải trình kèm theo khi đã yêu cầu DN cung cấp trực tuyến. Tiếp cận các phản hồi của DN và người dân đối với những cán bộ có thái độ và biểu hiện vòi vĩnh, đòi chung chi, qua đó góp phần nâng cao hình ảnh cán bộ thuế, hải quan” - ông Thành kiến nghị.