Rác thải bịt miệng cống thoát nước

Hà Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mưa lớn, tiêu thoát nước chậm gây ngập úng cục bộ là thực trạng tại nhiều khu vực ở Hà Nội mỗi khi mùa mưa đến. Trong đó, một vấn đề nhức nhối từ lâu vẫn chưa được khắc phục triệt để, đó là vật liệu xây dựng, rác thải, bục bệ bịt kín hệ thống thoát nước.

Thói quen vứt rác tùy tiện
Theo khảo sát của phóng viên Kinh tế & Đô thị, đoạn từ phố Đại La đến nút giao Bạch Mai hay tuyến đường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) đang trong quá trình giải phóng mặt bằng. Một bên đường ngổn ngang gạch ngói, vật liệu xây dựng phủ kín rãnh thoát nước, miệng cống bằng bê tông vỡ và sụt xuống ở nhiều vị trí.
Ông Nguyễn Văn Tường, phường Minh Khai (quận Hai Bà Trưng) cho biết: “Khu vực này hiện đang có rất nhiều công trình xây dựng, dù chủ đầu tư đã thu dọn vật liệu sau khi thi công nhưng gạch, vữa vẫn còn sót lại, mưa lớn nước không thoát xuống được sẽ dâng lên đường”.
Rác thải, gạch đá ngổn ngang trên nhiều hố ga, miệng cống ở phố Minh Khai (quận Hai Bà Trưng). Ảnh: Hà Ánh
Tình trạng tương tự xuất hiện tại những nơi tập trung nhiều nhà cao tầng, khu chung cư trên địa bàn TP. Bên cạnh đó, nhiều người dân thiếu ý thức, cố tình đẩy đất, đá xuống cống khiến tình trạng ngập úng nghiêm trọng hơn, gây khó khăn, mất an toàn cho người tham gia giao thông mỗi khi mưa lớn. Thực tế, tại các quận trung tâm, rác thải sinh hoạt vẫn chất đầy trên các bục bệ bê tông hay cầu sắt cho xe lên, xuống vỉa hè... cản trở đường thoát nước.
Trên các tuyến đông dân cư, trường học, bệnh viện như phố Trương Định, Bạch Mai, Tạ Quang Bửu, Phương Mai… mặc dù công nhân vệ sinh môi trường thường xuyên thu gom rác thải và hệ thống thùng rác công cộng đã được lắp đặt nhưng người dân vẫn tiện tay vứt xuống cống, rãnh đủ các loại rác, túi nilon.
Tại khu phố cổ Hàng Chiếu, Hàng Gà, Hàng Hòm… cũng diễn ra tương tự với vỏ hộp nhựa, bún bánh, vỏ hoa quả dập nát… từ các hàng ăn mắc lại trên miệng cống. Một số người dân sinh sống tại phố Hàng Hòm chia sẻ: “Mặc dù chính quyền địa phương, tổ dân phố thường xuyên nhắc nhở nhưng nói chung ý thức của một bộ phận người dân còn kém nên tình trạng ngập úng không thể tránh khỏi”.
Cốt yếu vẫn là ý thức
Thừa nhận thực tế này, đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho rằng, tình trạng rác thải, vật liệu xây dựng… bịt kín hệ thống thoát nước đã làm ảnh hưởng rất lớn đến khả năng thu - thoát nước, ngay cả khi không có mưa, gây mất vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị. Theo vị này, để khắc phục tình trạng trên, Công ty đã tăng cường kiểm tra, nạo vét hệ thống cống rãnh, thu dọn rác, đất đá hàng ngày. Khi có mưa, lực lượng ứng trực thường xuyên túc trực ở những nơi có khả năng ngập úng để vớt rác dồn về, rác bị tắc trong cống, chuẩn bị sẵn máy bơm để xử lý khi có mưa lớn.
Đặc biệt, sau khi hết mưa, Công ty Thoát nước Hà Nội kết hợp với Công ty Môi trường đô thị thu gom lại cho sạch sẽ nhằm hạn chế tối đa rác thải dồn ứ tại cống, rãnh. “Chúng tôi cũng ra quân cùng với chính quyền cấp phường phá dỡ, thu dọn các bục bệ, tấm chắn, đảm bảo khả năng thoát nước. Đồng thời đề nghị chính quyền các cấp ngoài việc tuyên truyền, vận động cần tăng cường kiểm tra, xử phạt trường hợp cố tình vi phạm" - đại diện Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội cho biết thêm.

Để giải quyết tình trạng trên, theo PGS.TS Bùi Thị An - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, việc xả rác bừa bãi đã gây tắc cống và làm giảm năng lực thoát nước. Do đó, muốn giảm tình trạng này, quan trọng nhất là phải tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân và tăng mức xử phạt đối với hành vi xả rác trái quy định.
“Mọi người dân nên nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, chung tay giải thoát cho những miệng cống đầy rác giúp cho TP được sạch sẽ hơn, khắc phục tình trạng ngập úng khi mưa lớn” - PGS.TS Bùi Thị An kêu gọi.

"Chính quyền các quận, huyện trên địa bàn TP cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân để bảo vệ môi trường, chú trọng việc bỏ rác đúng nơi quy định, nhằm hạn chế tình trạng bỏ rác ngay các miệng cống thoát nước, gây ảnh hưởng đến công tác chống úng ngập" - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội, PGS.TS Bùi Thị An