Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rác thải ngoại thành: Nan giải vấn đề xử lý

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trung bình mỗi ngày, trên địa bàn các huyện phát sinh hơn 2.000 tấn rác thải, song việc xử lý còn hạn chế. Trong khi lượng rác thải tồn đọng ngày càng nhiều, các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác trên địa bàn thành phố vẫn dậm chân tại chỗ, gây bức xúc cho người dân.

Tồn đọng gần 500 tấn rác/ngày

Theo số liệu thống kê của Sở TN&MT Hà Nội, đến tháng 5/2012, tổng lượng rác thải sinh hoạt phát sinh trên địa bàn 18 huyện ước khoảng 2.206 tấn/ngày. Tổng lượng rác thải vận chuyển đi xử lý từ đầu năm đến nay ước đạt 246.500 tấn (đạt 77,48%). Như vậy, trung bình mỗi ngày, lượng rác thải tồn đọng ở các huyện còn khoảng 496,8 tấn. Toàn bộ lượng rác thải thu gom ở các huyện được xử lý theo hai hình thức: Chôn lấp tại bãi rác tạm thời ở xã, thôn và chôn lấp hợp vệ sinh tại các bãi rác chung của thành phố và các huyện (chiếm 91,1%); chỉ có 8,9% được xử lý bằng phương pháp đốt tại Nhà máy xử lý rác thải Seraphin (Sơn Tây). Ông Ngô Xuân Hóa, Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Phú Xuyên trăn trở: Lượng rác thải phát sinh của 28 xã, thị trấn trên địa bàn huyện từ 120 - 140 tấn/ngày. Tuy nhiên, số rác được vận chuyển đi xử lý chỉ đạt 40 - 50 tấn/ngày, đó là chưa kể thời gian dài, số rác thải phát sinh gần như "đắp chiếu" vì không được xử lý.

Rác thải ngoại thành: Nan giải vấn đề xử lý - Ảnh 1

Rác thải đổ tràn lan ven đường làng xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ.

Có nhiều nguyên nhân khiến rác thải khu vực ngoại thành Hà Nội tồn đọng, song cơ bản do lượng rác cũ tồn đọng quá lớn, trong khi việc duy trì vệ sinh môi trường bằng nguồn ngân sách của huyện chỉ đủ bảo đảm công tác vận chuyển, xử lý rác mới phát sinh. Ngoài ra, tiến độ xây dựng điểm tập kết, khu xử lý rác thải ở các huyện còn chậm, dẫn tới việc thu gom, vận chuyển rác gặp nhiều khó khăn; kinh phí đầu tư cho các điểm tập kết còn thấp, ý thức của người dân về công tác vệ sinh môi trường hạn chế, dẫn đến việc hình thành những bãi rác tự phát… khiến môi trường nông thôn ngày càng bị ô nhiễm.

Những dự án “rùa”

Nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, cùng với việc thành lập và duy trì hoạt động của các tổ thu gom, vận chuyển rác thải ngay từ cơ sở, các địa phương đã chủ động ký hợp đồng vận chuyển rác với các công ty, xí nghiệp môi trường đô thị. Bên cạnh đó, Hà Nội đã có chủ trương xây dựng các nhà máy xử lý rác theo công nghệ mới, song đến nay vẫn chưa có dự án nào quy mô cấp thành phố, cấp huyện được đưa vào sử dụng.

Theo báo cáo của Sở TN&MT, Hà Nội đang triển khai một số dự án đầu tư xây dựng nhà máy xử lý rác thải công nghệ tiên tiến theo cơ chế xã hội hóa, bao gồm dự án xử lý rác thải tại các địa điểm: Xã Việt Hùng (Đông Anh); xã Phương Đình (Đan Phượng); Núi Thoong, xã Tân Tiến (Chương Mỹ); xã Lại Thượng (Thạch Thất); xã Châu Can (Phú Xuyên); xã Đông Lỗ (Ứng Hòa); xã Hợp Thanh (Mỹ Đức). Các dự án xử lý rác thải theo phương thức xã hội hóa sử dụng 100% kinh phí của nhà đầu tư với công nghệ tiên tiến, hiện đại của Việt Nam và thế giới, phạm vi phục vụ mang tính liên vùng; đạt tỷ lệ chôn lấp theo đúng quy chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, cũng theo đánh giá của Sở này, tiến độ triển khai các dự án trên rất chậm, chưa có dự án nào chính thức đi vào hoạt động.

Theo Sở TN&MT, nguyên nhân dẫn đến sự chậm trễ này do một số dự án thay đổi công nghệ nên phải tiến hành lại các thủ tục đầu tư. Mặt khác, việc tìm kiếm quỹ đất dành cho khu xử lý rác thải đáp ứng được quy chuẩn quốc gia cũng gặp nhiều trở ngại; việc GPMB khi triển khai dự án còn nhiều vướng mắc chưa thể tháo gỡ. Một nguyên nhân khác, việc áp dụng công nghệ hiện đại cho dự án đòi hỏi tổng mức đầu tư, chi phí xử lý và vận hành lớn, dẫn đến những khó khăn trong công tác huy động vốn của doanh nghiệp, trong khi ngân sách của huyện chưa đáp ứng đủ, mức hỗ trợ của thành phố còn thấp...

Để giảm thiểu tới mức thấp nhất tình trạng ô nhiễm môi trường do rác thải gây ra, từ nay đến năm 2015, Sở TN&MT đề nghị UBND TP tăng mức hỗ trợ kinh phí cho những xã trong công tác lập quy hoạch, đầu tư xây dựng điểm tập kết và bãi trung chuyển rác thải; đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dự án xử lý rác thải vào các huyện ngoại thành; đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án xây dựng khu xử lý rác thải Sơn Tây và khu xử lý rác Sóc Sơn (giai đoạn 2). Đồng thời, hỗ trợ kinh phí để xử lý triệt để lượng rác thải còn tồn đọng, cải tạo môi trường tại những bãi rác đã đóng cửa trên địa bàn. Đối với các xã, thị trấn chưa có điểm tập kết rác thải xa khu dân cư, cần xác định lại quy hoạch để tìm vị trí tập kết, bảo đảm quy mô diện tích, đáp ứng nhiệm vụ tập kết, trung chuyển rác của địa phương...