Rằm tháng 7 năm Tân Sửu: Phố Hàng Mã đìu hiu, chuyên gia văn hóa mừng thầm

Minh An - Hoàng Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Rằm tháng 7 âm lịch đang cận kề, nhưng do dịch Covid-19 đang có diễn biến phức tạp nên các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng mã trên địa bàn Hà Nội đều hoạt động cầm chừng. Nhưng không vì thiếu đồ mã mà giá trị tâm linh của ngày Rằm tháng 7 giảm đi.

Nhà lầu, xe sang chất đầy kho

Theo tín ngưỡng dân gian, Rằm tháng 7 là mùa Vu Lan báo hiếu để các gia đình chuẩn bị vàng mã đốt cho ngưỡng đã khuất, bày tỏ lòng thành kính. Đồng thời đây cũng là dịp xá tội vong nhân nên nhiều gia đình còn sửa soạn vàng mã cúng chúng sinh khiến thị trường đồ lễ nhộn nhịp hơn. Những năm trước, đến thời điểm này, làng Phúc Am (xã Duyên Thái,Thường Tín, Hà Nội) - được coi là “thủ phủ” sản xuất vàng mã hàng đầu tại miền Bắc lại nhộn nhịp người, phương tiên đi lại mua bán. Trong làng, người dân đều tấp nập hối hả vào mùa sản xuất các sản phẩm như hình nộm ngựa, voi, thuyền rồng, nhà, xe. Nhưng năm nay, làng Phúc Am vắng vẻ, đìu hiu do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
 Làng nghề Phúc Am thiết lập ''vùng xanh'', hoạt động mua bán tạm dừng. Ảnh: Ngọc Tú.

Ngày 19/8, theo ghi nhận của phóng viên KT&ĐT, từ Quốc lộ 1, đoạn rẽ vào làng Phúc Am đã có chốt kiểm soát Covid-19. Vì vậy, người và phương tiện từ Quốc lộ 1 vào làng được kiểm soát chặt chẽ. Đồng thời, cổng chính làng Phúc Am đã thành lập chốt trực 24/24h, thiết lập “vùng xanh”. Trong bối cảnh đó, người dân làng Phúc Am nói riêng và xã Duyên Thái nói chung đề hạn chế đi lại, thực hiện nghiêm giãn cách xã hội theo nguyên tắc nhà cách ly với nhà, tổ dân phố cách ly với tổ dân phố.
 Các cơ sở sản xuất hàng mã tại làng nghề Phúc Am đóng cửa, dừng hoạt động, hàng hóa chất đống. Ảnh: Người dân cung cấp.

Với sự kiểm soát chặt chẽ, người dân làng Phúc Am đều an tâm trước dịch bệnh. Nhưng cùng với đó, các hoạt động sản xuất, mua bán vàng mã phải tạm dừng. Theo một số hình ảnh được người dân cung cấp, bên trong làng Phúc Am, các cơ sở sản xuất hàng mã trong làng đều khá im ắng. Không còn cảnh ô tô nườm nượp về làng để vận chuyển đồ dùng cho những người ở cõi âm như trước đây. Trong các cơ sở sản xuất, khung ngựa, nhà, thuyền bằng tre nứa, chất đầy. Một cán bộ chốt trực vùng xanh tại cổng làng Phúc Am chia sẻ: “Mọi năm vào thời điểm này, làng rất nhộn nhịp nhưng năm nay do dịch Covid-19 nên hoạt động sản xuất đều tạm dừng. Hiện nay, chỉ còn một số hộ trong làng còn làm hàng tích trữ để đợi đủ điều kiện kinh doanh sẽ hoạt động trở lại”.

Hàng mã giảm 95%, vẫn trọn vẹn tâm linh

Lượng hàng sản xuất tại các làng nghề không có, nên năm nay, tiểu thương kinh doanh hàng mã tại phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) cũng dừng hoạt động. Ngày 19/8, theo ghi nhận của phóng viên KT&ĐT, cả dãy phố Hàng Mã thường ngày tấp nập vào mỗi dịp tháng 7 Âm lịch nhưng hiện giờ đều vắng vẻ, đìu hiu, hầu hết các cửa hàng đều “cửa đóng then cài”. Dọc con phố Hàng Mã có khoảng 2-3 hộ mở hé cửa mở giao hàng những mặt hàng có kích cỡ nhỏ, không đa dạng và nhiều kích cỡ như mọi năm. Thậm chí, tại địa chỉ số 12B Hàng Mã còn dán thông báo cho thuê nhà trước cửa.
 Phố Hàng Mã vắng vẻ trong dịp rằm tháng 7. Ảnh: Ngọc Tú.

Nhiều chủ cửa hàng chia sẻ, từ 8 giờ đến 10 giờ sáng chỉ có vài người đến lấy hàng vì họ có đặt mua online từ trước hoặc shipper đến nhận đơn chuyển hàng về tận nhà khách. Hầu hết những người này đều có giấy đi đường, đi chợ hoặc nhà gần khu phố Hàng Mã. Tiểu thương cũng không nhập hàng, trong kho còn bao nhiêu đồ lấy bán nốt. Xu hướng tiêu dùng mua đồ cúng Rằm tháng 7 thường là những món đồ nhỏ, có giá từ 50.000 - 100.000 đồng. Những đồ to như nhà, xe, ngựa… ít người mua. Bà Phạm Ngọc Oanh (30 Hàng Mã) chia sẻ: “Năm nay do ảnh hưởng của Covid-19 nên việc kinh doanh rất khó khăn. Hàng bán ra giảm đến 95%, mỗi ngày chỉ bán được 1-2 bộ. Tôi mong tình hình dịch sớm được kiểm soát để hoạt động kinh doanh đỡ vất vả hơn”. Mặc dù giảm doanh số nhưng các tiểu thương và cơ sở kinh doanh vẫn ủng hộ chủ trương giãn cách xã hội của TP. Người dân sản xuất và kinh doanh hàng mã kỳ vọng thời gian tới dịch bệnh được kiểm soát để việc mua bán trở lại bình thường. Hiện nay, nhiều hộ kinh doanh, sản xuất đã chuyển hướng sang hàng hóa phục vụ cho Trung Thu và Tết với số lượng, quy mô nhỏ. Bởi, hiện nay quan niệm của đa số người dân đã khác hơn trước, phần lớn cho rằng, lòng thành dâng lên tổ tiên vẫn ở những sản vật xuất phát từ tâm chứ không phụ thuộc vào giá trị.
 Một số cửa hàng kinh doanh trên phố Hàng Mã hé cửa để mua bán. Ảnh: Ngọc Tú.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Hùng Vĩ cho rằng thị trường không thể sản xuất, không thể vận chuyển do đồ mã không phải mặt hàng thiết yếu trong thời kỳ dịch bệnh. Nhưng trong cái đìu hiu ấy lại có cái may. Người kinh doanh buồn vì một mùa làm ăn thất thu, nhưng với góc độ người làm văn hóa thì tôi mừng vì việc đốt vàng mã sẽ giảm vào dịp Rằm tháng 7 năm nay. Chúng ta không còn phải lo đống tiền của đổ vào những tờ giấy mã, đốt để giải quyết những quan niệm có phần mê tín, không phải lo cảnh hỏa hoạn từ việc đốt vàng mã. Trong khi đó, giảm đốt vàng nhưng những giá trị tâm linh không vì thế mà giảm đi phần ý nghĩa.

“Để trọn vẹn phần phúc mà mình tạo dựng, thay vì bỏ tiền ra mua vàng mã đốt vào dịp Rằm tháng 7 thì có thể dùng số tiền đó cho việc phóng sinh, giúp đỡ người nghèo khó. Đó là những việc nghĩa thiết thực nhất” - sư thầy Thích Minh Tường – trụ trì chùa Kim Quy (Đông Anh) bày tỏ.