Ranh giới phản cảm trong điện ảnh

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, sự việc phim “Vị” bị cấm phổ biến tại Việt Nam vì cảnh nude kéo dài tiếp tục gây ra làn sóng trong dư luận về việc sử dụng hình ảnh nhạy cảm trong điện ảnh.

Trong phim có 4 nhân vật là 4 người phụ nữ khoảng 50 - 60 tuổi và một cầu thủ người Nigeria sang Việt Nam để tìm cơ hội vào đội bóng đá. 5 nhân vật có những số phận, hoàn cảnh và tâm trạng riêng. Họ sống chung, cùng sinh hoạt trong một căn nhà và đều nude.

Hình ảnh trong trailer phim
Bình luận về cảnh nhạy cảm trong phim thì trước đây, nhiều khán giả dẫn chứng rằng thứ “gia vị” trên truyền hình này đã có từ lâu. Cụ thể từ những năm 80, khi Chí Phèo - Thị Nở đã tình tứ trong bụi chuối ngả nghiêng của “Làng Vũ Đại ngày ấy”. Xem phim, khán giả vẫn thấy thích thú và đón nhận. Giờ đây, cảnh diễn viên thiếu vải hoặc nóng bỏng thường chiếu với tần suất nhiều hơn nhưng cũng được quay kỹ xảo hoặc nhờ tài năng diễn xuất khiến cảnh quay trở nên hợp lý. So sánh để thấy, không phải bất cứ cảnh nóng nào cũng bị lên án.
Trở lại thời gian gần đây, nhiều bộ phim đương đại trở thành tiêu điểm tranh luận của giới chuyên môn cũng như công chúng, nhất là sau khi bị cấm hay bị cắt trước khi chiếu rạp như: “Hot boy nổi loạn”, “Bẫy cấp ba”, “Bi, đừng sợ”. Và đến nay “Vị” xuất hiện, người ta lại đặt câu hỏi đặt ra cho nhà làm phim. Tại sao, khi chưa mở cửa, khi cơ chế còn rất đóng, chúng ta (bao gồm khâu kiểm duyệt và khán giả) hết choáng lại sốc nhưng vẫn dễ dàng chấp nhận những cảnh nude, cảnh nóng của “Làng Vũ Đại ngày ấy” hay “Cô gái trên sông”, nay lại tỏ ra khó chịu trước những cảnh nhạy cảm của phim “Vị”?

Câu trả lời có lẽ nằm ở thông điệp của nhà sản xuất muốn hướng tới là vì nghệ thuật hay sự gây chú ý bằng cách bôi nhọ, vẽ nên những bức tranh xấu xí về cuộc sống người Việt. Có nhiều ý kiến cho rằng, phim "Vị" có cảnh nhạy cảm vẫn đạt nhiều giải ở quốc tế. Nhưng có một sự thật khi điện ảnh thổi phồng, tô vẽ man rợ về một mảng đời sống thường dễ đạt giải cao, song không ai thẩm định lại bao nhiêu phần trăm sự thật sau những bức hình điện ảnh đó. Chính vì vậy, phim này dù đoạt giải quốc tế cũng không thể lấy đó là tiêu chí hay, đúng và cần được công chiếu ở Việt Nam. Ngược lại, bộ phim đáng bị lên án vì xuyên tạc hình ảnh, lối sống người Việt.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần