Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rạp chiếu, hãng phim tư nhân Việt Nam lo thị trường sẽ rơi vào tay doanh nghiệp ngoại khi hết dịch

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các DN Việt Nam đang chiếm 30% thị phần kinh doanh rạp trong nước. Tuy nhiên, đứng trước những khó khăn trong mùa dịch, các DN lo ngại sau khi hết dịch, các DN Việt Nam không đủ khả năng trụ vững, thị trường kinh doanh rạp sẽ rơi vào tai DN nước ngoài.

Vấn đề lo DN phá sản, không có khả năng giữ thị phần kinh doanh được thể hiện trong văn bản cầu cứu của Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam vừa gửi tới Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Trung tâm chiếu phim Quốc gia là một trong những DN của Việt Nam tham kinh doanh rạp chiếu, đang đứng trước rất nhiều khó khăn
Trong công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Hiệp hội xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam cho biết DN nội địa tham gia ngành sản xuất, phát hành phim đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch bệnh Covid-19.
Cụ thể, việc đóng cửa không chỉ khiến rạp chiếu phim không có bất kỳ nguồn doanh thu nào trong khi vẫn phải trả các chi phí cố định nặng nề hàng tháng, mà còn dẫn đến việc hoãn phát hành nhiều phim đã đầu tư và có kế hoạch ra rạp. Việc đọng vốn không thể phát hành phim dẫn tới không có doanh thu trong thời gian dịch bệnh.
Đặc biệt, văn bản cũng đề cập DN kinh doanh rạp chiếu tại Việt Nam (BHD Star, Galaxy, Trung tâm chiếu phim quốc gia...) chỉ chiếm 30% thị phần chiếu phim và hầu hết là công ty của những người làm điện ảnh, nên không có tiềm lực tài chính đủ mạnh để đương đầu với khủng hoảng mạnh như dịch Covid-19. Trong khi 70% DN còn lại có tiềm lực tài chính mạnh, có hỗ trợ lớn do là công ty con của các tập đoàn lớn. Chẳng hạn, như CGV là của CJ và Samsung; Lotte Cinema của Lotte (đều là tập đoàn mạnh của Hàn Quốc).
"Bởi vậy, nếu không có hỗ trợ kịp thời của Nhà nước, các rạp chiếu phim của Việt Nam và các hãng tư nhân sẽ phá sản và đóng cửa hàng loạt, dẫn đến vấn đề nghiêm trọng sau dịch là thị trường chiếu phim, phát hành phim sẽ chỉ có DN nước ngoài, ảnh hưởng đến ổn định văn hóa - xã hội và chiến lược của đất nước về bảo vệ văn hóa dân tộc", văn bản nêu.
Về giải pháp, Hiệp hội chia sẻ đã xem xét cách thức hỗ trợ của các quốc gia khác đối với văn hóa nghệ thuật. Singapore, Trung Quốc, Đức, Ý hay Mỹ đã giải ngân nhiều gói hỗ trợ hàng chục triệu USD để nâng cao kỹ năng của các DN hoạt động nghệ thuật; phần nào giải quyết khó khăn tài chính hiện tại.
Tuy nhiên, Hiệp hội hiểu rằng ở Việt Nam, với ngân sách còn hạn chế và bản thân điện ảnh chưa phải là nhóm DN khó khăn nhất để cần các gói tài chính tương tự nên đã đề xuất 4 hướng giải pháp về thuế, BHXH và lãi suất ngân hàng để vượt qua giai đoạn này.
Cụ thể, Hiệp hội kiến nghị miễn thuế VAT năm 2020 với DN Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn thu bù lại những tổn thất và chi phí cố định vẫn phải gánh chịu mà không có doanh thu trong thời kỳ dịch bệnh.
Đồng thời, hoãn nộp thuế thu nhập cá nhân 2020 với DN Việt Nam kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất phim, phát hành và chiếu phim, để có thêm nguồn chi trả các chi phí cố định trong thời gian tạm dừng hoạt động kinh doanh do dịch bệnh.
Cuối cùng, Hiệp hội kiến nghị hoãn nộp bảo hiểm xã hội cho cán bộ công nhân viên; hỗ trợ lãi suất vay ngân hàng cho các DN điện ảnh Việt Nam hoặc có chính sách cụ thể để hỗ trợ.