Rất cần cơ chế tài chính cho khám, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng

Oanh Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trẻ em bị suy dinh dưỡng (SDD) cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Vì thế, Bác sĩ Nguyễn Trọng An - nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTB&XH đề xuất sửa đổi Luật Khám chữa bệnh 2021, trong đó quy định cơ chế tài chính cho khám, điều trị trẻ SDD cấp tính nặng.

Trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần
Năm 2021, Việt Nam vẫn là một trong số 34 quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt với gánh nặng SDD cao nhất. Việt Nam có 1,8 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD và có nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài. Trẻ em thuộc các hộ gia đình nghèo nhất có nguy cơ bị còi cọc cao gấp 3 lần so với trẻ sống trong hộ gia đình khá giả hơn. Vùng Tây Nguyên, Trung du và miền núi phía Bắc – nơi có nhiều người dân tộc thiểu số là khu vực có tỉ lệ trẻ em SDD cao nhất; trong các nhóm dân tộc thiểu số này, người Mông có tỷ lệ cao nhất 65%.
Đặc biệt, sau 2 năm (2020 và 2021) nước ta bị ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 và các vụ hạn hán, lụt lội; thì tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi ở trẻ em, thiếu dinh dưỡng ở bà mẹ và thiếu các vi chất dinh dưỡng thường cao hơn so với trung bình của quốc gia.

 Nguyên Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, cần có cơ chế tài chính cho khám, điều trị trẻ suy dinh dưỡng cấp tính nặng để tránh nguy cơ bị tổn thương não và thể chất lâu dài.

Theo Chuyên gia Dinh dưỡng Bà mẹ - Trẻ em Nguyễn Trọng An, khi xảy ra các tình huống khẩn cấp, tỷ lệ SDD cấp tính nặng ở trẻ em có thể từ 0,6 – 1% so với bình thường. Các báo cáo đánh giá gần đây cho thấy trẻ em và phụ nữ ở các vùng thiên tai, dịch bệnh có khẩu phần ăn hằng ngày kém về chất lượng bên cạnh môi trường, vệ sinh nước sạch, làm gia tăng trẻ em dưới 5 tuổi bị SDD cấp tính và phụ nữ có thai và cho con bú bị thiếu vi chất dinh dưỡng.
“SDD cấp tính nặng biểu hiện ở chỉ số cận nặng theo chiều cao rất thấp (dưới 3 điểm chuẩn Z score theo phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới. Biểu hiện nặng nhất của SDD cấp tính nặng là thể gày gò teo đét (Marasmus), hoặc dạng phù nề rõ rệt (Kwashiorkor), Nếu không được điều trị ngay, các trẻ SDD cấp tính nặng này dễ bị tử vong.
Trẻ bị SDD cấp tính nặng có nguy cơ tử vong cao gấp 20 lần so với trẻ bình thường, đủ dinh dưỡng. Đây là nguyên nhân tử vong chính ở trẻ em dưới 5 tuổi một cách trực tiếp, hoặc gián tiếp ở những trẻ bị mắc các bệnh phổ biến như tiêu chảy và viêm phổi” – Bác sĩ Nguyễn Trọng An thông tin.
Đề xuất sửa đổi Luật khám chữa bệnh
SDD dẫn đến 45% các ca tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi (tương đương hơn 3 triệu ca tử vong trẻ em mỗi năm trên toàn cầu). SDD cũng liên quan đến giảm khả năng và năng suất lao động, làm giảm 10% thu nhập suốt đời, từ đó làm suy yếu nguồn nhân lực, làm tăng trưởng kinh tế toàn xã hội giảm ít nhất 8%.
Bác sĩ Nguyễn Trọng An cho rằng, cần có cơ chế tài chính cho khám, điều trị trẻ SDD cấp tính nặng. Từ năm 2016, mô hình quản lý và điều trị SDD cấp tính nặng bằng chế phẩm điều trị chuyên biệt theo công thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) do UNICEF hỗ trợ, sau khi triển khai thành công ở Kon Tum đã được mở rộng trên 22 tỉnh, thành và các tổ chức quốc tế khác. Tuy vậy, độ bao phủ của can thiệp có hiệu quả cao này còn rất hạn hẹp, chỉ đáp ứng được 10% các ca SDD cấp tính nặng trên toàn quốc. Hậu quả là, 90% các ca SDD cấp tính nặng không được điều trị. Trên cơ sở đó, các chuyên gia của Bộ Y tế và UNICEF cũng khuyến cáo trẻ bị suy dinh dưỡng cấp tính nặng chỉ có thể được điều trị, cứu sống, tránh được biến chứng khi sử dụng các chế phẩm điều trị chuyên biệt theo công thức của WHO. Các chế phẩm này đều đã có qui định rất chi tiết về thành phần và các đặc tính chuyên biệt để điều trị theo đơn thuốc của bác sĩ tại các cơ sở y tế, bảo đảm độ an toàn và hiệu quả trong điều trị bệnh suy dinh dưỡng nặng cấp tính.
Hiện nay, hầu hết trẻ em bị SDD nặng cấp tình đều tập trung ở những địa phương nghèo và là con của những gia đình nghèo, trong khi nước ta vẫn chưa có chính sách cũng như nguồn tài chính được xác định từ ngân sách trung ương hoặc địa phương cho Quản lý SDD cấp tính nặng. Việc mở rộng can thiệp này trên toàn quốc đòi hỏi phải có cơ chế chi trả cho việc quản lý và điều trị trẻ SDD cấp tính nặng, thay vì phụ thuộc vào hỗ trợ của các nhà tài trợ.
Để cải thiện tình hình trẻ em bị SDD cấp tính nặng, Tổ chức UNICEF khuyến nghị Việt Nam bổ sung một quy định cụ thể về việc sử dụng chế phẩm dinh dưỡng điều trị đặc biệt trong khám, chữa bệnh SDD cấp tính nặng trẻ em trong Luật Khám bệnh, Chữa bệnh sửa đổi và phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế trong Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi.