Rất cần cơ chế ưu đãi đặc thù

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chủ đầu tư hạ tầng cũng như nhà đầu tư thứ cấp vào Khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Nam...

Kinhtedothi - Chủ đầu tư hạ tầng cũng như nhà đầu tư thứ cấp vào Khu công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Nam Hà Nội (Hanssip) cần được khuyến khích như đầu tư vào lĩnh vực đặc biệt ưu đãi, theo tinh thần quan điểm phát triển hiện hành của Nhà nước. Đó là nhận định của không chỉ các nhà quản lý mà của cả đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp (DN) khi bàn về sự cấp bách đẩy mạnh phát triển ngành CNHT.

Rất cấp bách!

Thống kê mới nhất từ Viện Nghiên cứu chiến lược chính sách công nghiệp cho thấy, đến nay cả nước mới có 210 DN sản xuất linh kiện, phụ tùng cung cấp cho 50 DN sản xuất, lắp ráp ô tô. Đáng nói là các linh kiện này chủ yếu có hàm lượng công nghệ thấp, như chi tiết cấu thành khung gầm, thùng xe, săm lốp… Hơn nữa, số DN sản xuất CNHT còn rất ít, công nghệ lạc hậu, cạnh tranh kém, chưa kể nguồn nhân lực thiếu cả về chất và lượng.
  Chủ tịch Hiệp hội HANSIBA Nguyễn Hoàng chia sẻ tại Diễn đàn CNHT Việt Nam lần thứ 9.
Chủ tịch Hiệp hội HANSIBA Nguyễn Hoàng chia sẻ tại Diễn đàn CNHT Việt Nam lần thứ 9.
 
Trong chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2020, Chính phủ đã đặt trọng tâm phát triển ngành CNHT là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất để sớm đưa Việt Nam cơ bản thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Riêng Hà Nội cũng đã có một loạt chương trình phát triển CNHT, với định hướng là nhắm tới DN FDI của các nước châu Á, nhất là Nhật Bản, như đầu tàu dẫn hướng cho DN Việt tham gia tổ chức sản xuất sản phẩm CNHT toàn cầu. Cụ thể hóa chiến lược này, UBND TP đã quyết định chấp thuận đề xuất của cộng đồng DN CNHT thành lập Hiệp hội các DN ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA). 

Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HANSIBA cho biết: Dù vẫn non trẻ như chính ngành CNHT của TP, song HANSIBA đang và sẽ cố gắng quy tụ hàng ngàn DN ngành CNHT Hà Nội, với trọng tâm là liên kết với các DN FDI để cùng sản xuất CNHT. Đặc biệt, tại Diễn đàn CNHT Việt Nam lần thứ 9 mới đây, các DN tham dự đã thể hiện sự tâm huyết với việc phát triển ngành CNHT cho TP. "Đã có rất nhiều câu hỏi về hoạt động của HANSIBA, nhiều nhà đầu tư ngỏ ý được tới tìm hiểu Hanssip tại huyện Phú Xuyên - dự án do hội viên nòng cốt của HANSIBA là N&G Corp làm chủ đầu tư. Nhiều DN mong muốn được gia nhập Hiệp hội để cùng chung tay phát triển CNHT Thủ đô, được hưởng ưu đãi về vốn vay, công nghệ, nhân lực, và nhất là cơ hội mở rộng mạng lưới liên kết với các DN quốc tế, tham gia chuỗi giá trị CNHT toàn cầu" - ông Hoàng nói. 

Chờ cơ chế đột phá

Lãnh đạo HANSIBA cho rằng, sau khi Chính phủ ban hành Quyết định 12/2011/QĐ-TTg về ưu tiên phát triển 6 ngành CNHT trọng tâm, từng nhóm ngành đã có những thay đổi. Tuy nhiên, việc phát triển CNHT Việt Nam chủ yếu gắn với DN có vốn FDI, và nếu chỉ thu hút khối DN này trong ngành CNHT thì nhà sản xuất khó có thể cắt giảm chi phí. Điều quan trọng là cần phát triển các DN Việt trong ngành công nghiệp này mới có thể giảm chi phí, giúp nhà sản xuất yên tâm đầu tư. Trước nhu cầu cấp thiết đó, khu công nghiệp chuyên sâu CNHT đầu tiên của Việt Nam - Hanssip đã ra đời. Với tổng điện tích 640 ha, dự kiến mở rộng lên 2.000 ha, khu công nghiệp - đô thị này được kỳ vọng trở thành điểm đến hấp dẫn cho các DN CNHT Việt Nam và quốc tế, là điển hình mới định hướng cho các tỉnh, thành trên cả nước. 

"Thực tế đòi hỏi phải có một cơ chế thực sự đột phá, hiệu quả và phù hợp để phát triển CNHT, chứ các quy định ưu đãi không thể mãi dừng ở việc thể hiện quan điểm, định hướng! Chính sách phải được tính toán căn cơ, hài hòa lợi ích và đảm bảo cạnh tranh với các nước châu Á, đảm bảo suất sinh lời đủ hấp dẫn đầu tư. Nói cách khác, phải có chính sách thu hút rất cụ thể, như miễn giảm thuế, ưu đãi về giá thuê đất và thời hạn cho thuê... Thực tế, các đối tác tiềm lực của Nhật Bản đang rất trông chờ một cơ chế ưu đãi cho Hanssip, coi đó như cơ sở để quyết định sẽ đầu tư hay không" - Giám đốc Sở Công Thương Lê Hồng Thăng khẳng định.
 
"Chúng tôi hy vọng, Chính phủ sẽ có điều chỉnh thích hợp với tình hình mới bằng một số nội dung có tính then chốt, như Quy hoạch phát triển CNHT ở một số vùng kinh tế trọng điểm có tiềm năng phù hợp phát triển, thành lập trung tâm nghiên cứu và kết nối cho các DN tham gia sản xuất CNHT với các DN Nhật Bản và quốc tế, nghiên cứu thành lập hiệp hội DN CNHT ở những vùng kinh tế trọng điểm…" - Ông Nguyễn Hoàng - Chủ tịch HANSIBA    

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần