Bà con nông dân thu hoạch rau an toàn tại xã Tráng Việt (huyện Mê Linh). |
Chủ tịch Hội Nông dân xã Tráng Việt Trần Đức Trọng cho biết, nhờ áp dụng công nghệ tưới tự động, nhà màng nhà lưới, kết hợp với thường xuyên chăm sóc nên chất lượng rau an toàn trên địa bàn được thị trường công nhận. Giá trị từ rau an toàn hiện khá tốt nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, do việc tiêu thụ vẫn là tự sản, tự tiêu. “Hiện, mỗi ngày vùng rau an toàn xã Tráng Việt cung ứng cho thị trường khoảng 300 - 400 tấn rau các loại. Tuy nhiên, trong đó có chưa tới 10% sản lượng được tiêu thụ qua kênh liên kết với các tổ chức, DN phân phối” - ông Trọng cho biết.Trên thực tế, vùng rau an toàn xã Tráng Việt đã nhận được sự quan tâm, hỗ trợ lớn từ các cấp, ngành. UBND huyện Mê Linh đã đầu tư cứng hóa hệ thống giao thông trục chính cho vùng canh tác rau màu ven bãi sông Hồng. Sở NN&PTNT Hà Nội cũng đã hỗ trợ Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp Đông Cao xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm rau an toàn nhằm tạo thuận lợi cho việc quảng bá, giới thiệu… Mặc dù vậy, vấn đề tiêu thụ rau an toàn vẫn là bài toán nan giải.Phó Chủ tịch UBND xã Tráng Việt Trần Văn Khang cho biết, hiện nay, địa phương đang phối hợp với các sở, ngành để phát triển rau an toàn Đông Cao thành sản phẩm chất lượng tham gia Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Mục tiêu là giúp rau an toàn nơi đây có thêm tiền đề để mở rộng kênh phân phối, tiêu thụ. Để thúc đẩy phát triển vùng rau an toàn ở xã Tráng Việt, ông Khang kiến nghị các sở, ngành của TP, UBND huyện Mê Linh quan tâm, hỗ trợ đầu tư lưới điện ra vùng sản xuất ven sông Hồng. Đặc biệt, có cơ chế đặc thù cho phép xây dựng nhà sơ chế lắp ghép giản đơn. Từ đó chuyên nghiệp hóa sản xuất, thúc đẩy tiêu thụ rau an toàn đã qua sơ chế, chế biến, giúp sản phẩm thâm nhập sâu vào các kênh liên kết.