Rau củ quả ở các tỉnh miền Nam và Tây Nguyên đủ sức cung cấp cho TP Hồ Chí Minh và miền Đông Nam Bộ

Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 18/7, trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải - Trưởng ban Chỉ đạo cung ứng hàng hóa khẳng định, Bộ Công Thương đã chủ động liên hệ với một số Sở Công Thương phía Bắc để sẵn sàng kết nối, tìm nguồn cung ứng các mặt hàng rau củ quả để điều chuyển, cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam qua đường máy bay trong trường hợp cần thiết.

Tuy nhiên, ngay sau phát ngôn của Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, nhiều ý kiến trái chiều được đưa ra. Trong đó, đáng chú ý, khi có ý kiến cho rằng, chủ trương đưa rau củ quả từ phía Bắc vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam bằng máy bay chẳng khác nào “đưa củi về rừng”, vừa tốn kém vừa không khả thi.
Cụ thể, ngày 19/7, chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, Chị Trang, chủ vườn rau xanh tại Long An cho biết, từ ngày TP Hồ Chí Minh thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 đến nay, ngày nào vườn rau của chị Trang cũng xuất từ 5 - 6 tạ rau. Thậm chí, nhiều loại củ quả như cà tím, cà pháo, khổ qua, su su…thu hoạch không kịp nên trái hơi già.
Rau ùn ứ không gửi đi được TP Hồ Chí Minh, nhiều nhà vườn ở miền Tây phải phá bỏ.
Nhiều tỉnh giãn cách, khó khăn trong vận chuyển, tiêu thụ khiến rau tại các nhà vườn bị ùn ứ, giá rớt thảm, thậm chí có người phải phá bỏ.
“Nguồn rau củ dồi dào nên tại nhà vườn giá bán ra rất thấp, chỉ dao động từ  2.000 - 12.000 đồng/kg. Rau xanh ở mức 8.000 đồng/kg, riêng các loại củ có giá 12.000 đồng/kg” - chị Trang nói.
Cũng theo chị Trang, hợp tác xã nơi gia đình chị và nhiều hộ nông dân trồng rau khác ở Long An đang canh tác cam kết, không bao giờ thiếu rau để cung cấp cho TP Hồ Chí Minh, đặc biệt là trong những ngày giãn cách đã qua và sắp tới.
Mới đây, báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn An Giang cũng cho thấy, nguồn rau củ phong phú tại tỉnh này đã giúp giữ giá bán ở mức khá bình ổn, chỉ tăng nhẹ khoảng 1.000 đồng. Trong đó, một vài loại rau tại vựa chỉ 2.000 - 18.000 đồng/kg (tùy loại). Cụ thể, cải thìa 2.000 đồng/kg, cải xanh và cải ngọt 8.000 đồng/kg, hành lá, dưa leo cũng chỉ 8.000 đồng/kg, bí đao 10.000 đồng/kg, ớt 12.000 đồng/kg. Riêng gừng và khoai lần lượt 18.000 - 20.000 đồng/kg.
Tương tự, Sở Công Thương tỉnh Đồng Tháp cũng vừa công bố các chương trình ứng dụng thương mại điện tử, phần mềm hỗ trợ livestream bán hàng, xây dựng thông tin, website, quản trị bán hàng đa kênh... giúp doanh nghiệp hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm. Kênh bán hàng này cũng có thể kết nối trực tiếp với các nhà phân phối tại TP Hồ Chí Minh, thực hiện phương án giao hàng trực tiếp nhằm đảm bảo nguồn cung và an toàn phòng chống dịch.
 Nhiều ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải gửi nông sản từ Bắc vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Nam bằng đường máy bay vì tốn kém. Rau củ quả ở miền Tây và các tỉnh Tây Nguyên dồi dào 'thừa lực' cáng đáng.
“Miền Tây đất đai màu mỡ, rau củ quả trồng được quanh năm, TP Hồ Chí Minh cần bao nhiêu, miền Tây có bấy nhiêu để cung cấp. Chưa kể, các tỉnh miền Tây có vị trí địa lý gần với TP Hồ Chí Minh, nên công tác vận chuyển sẽ dễ dàng và đỡ tốn kém hơn rất nhiều so với việc phải chuyển rau củ quả từ ngoài miền Bắc vào, mà lại còn bằng đường máy bay nghe sa sỉ quá” - anh Thìn, hộ nông dân trồng rau ở Cần Thơ bày tỏ quan điểm.
Đồng quan điểm, cô Như, thương lái chuyên vận chuyển rau củ từ Bến Tre lên TP Hồ Chí Minh cho biết, tình trạng thiếu rau củ quả ở TP Hồ Chí Minh hiện nay là do khó khăn trong lưu chuyển hàng hóa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy chứ không phải do nguồn cung thiếu.
“Nguồn cung rau củ tại Bến Tre nói riêng và các tỉnh nói chung, như: Tiền Giang, Cần Thơ, Bến tre, Tây Ninh... rất dồi dào, giá chỉ vài nghìn đồng/kg. Khó khăn lớn nhất là ở khâu vận chuyển về TP Hồ Chí Minh, vì dịch bệnh diễn biến quá phức tạp” - cô Như nói.
Không chỉ miền Tây và các tỉnh lân cận TP Hồ Chí Minh, theo ghi nhận, các tỉnh Tây Nguyên, như: Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông…hiện cũng đang dự trữ nguồn nông sản, sẵn sàng cung cấp đầy đủ cho TP Hồ Chí Minh trong những ngày giãn cách còn lại.
Theo đó, ngày 17/7 vừa qua, UBND tỉnh Lâm Đồng lên kế hoạch hỗ trợ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ chống dịch. Trong đó, việc cung ứng rau Đà Lạt và các loại củ quả cho một phần nhu cầu tiêu dùng của người dân vùng dịch các tỉnh Đông Nam Bộ được xem là nhiệm vụ. 
 Một nhóm bạn trẻ Đà Lạt thu hoạch rau để gửi tặng bà con vùng dịch TP Hồ Chí Minh.
“Lâm Đồng xem cung ứng rau cho vùng dịch là nhiệm vụ. Đây là thời điểm hỗ trợ người dân vùng dịch, vốn là thị trường quan trọng của nông sản Đà Lạt - Lâm Đồng, được đặt lên cao hơn việc kinh doanh” - ông Hoàng Trọng Hiền - Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh.
Cụ thể, rau củ quả bán - mua giữa các đầu mối từ Đà Lạt - TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ thấp hơn giá thị trường 30%. Việc cung ứng nông sản từ Đà Lạt đi các tỉnh, thành thực hiện trên nguyên tắc bình ổn giá. 
Với khu vực cách ly và bếp ăn lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch sẽ không thu tiền. Lâm Đồng yêu cầu các đoàn thể kêu gọi nhân dân, đơn vị sản xuất ủng hộ nông sản để có thể "tiếp viện" cho TP Hồ Chí Minh, các tỉnh Đông Nam Bộ và vùng đang áp dụng Chỉ thị 15, Chỉ thị 16.
Cũng trên tinh thần “tương thân tương ái”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no”, nông dân hai tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông cũng tăng gia sản xuất, nhằm đảm bảo nguồn rau củ quả dồi dào, tươi ngon cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ.
 Sở Công thương TP Hồ Chí Minh vừa công bố danh sách 40 chợ truyền thống tại các quận, huyện và TP Thủ Đức được mở cửa bán lại, để người dân dễ dàng tìm mua thực phẩm thiết yếu.
Liên quan đến công tác nhập rau củ quả về TP Hồ Chí Minh trong thời gian giãn cách, ông Hoàng Thanh Hải - Giám đốc Hợp tác xã rau an toàn Hải Nông (Củ Chi) cho hay, nguồn hàng dồi dào nhưng chi phí vận chuyển, xét nghiệm đội lên nên giá bán rau, củ ra thị trường tăng vọt trong mấy ngày qua.
Theo ông Hoàng Thanh Hải, nhiều đơn vị cho biết họ gặp nhiều khó khăn trong khâu lưu thông hàng. Tuy nhiên, vui mừng là vì ngày 18/7 vừa qua, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 đã có quyết định cho phép, lái xe vận tải trong nội bộ 19 tỉnh, thành phía Nam đang cách ly xã hội không cần giấy xét nghiệm âm tính Covid-19. Điều này giúp tháo gỡ khâu lưu thông, giúp hàng hóa về TP Hồ Chí Minh và các tỉnh Đông Nam Bộ nhanh hơn và giá thành sẽ được hạ xuống.
“Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh đã cho phép nhiều chợ truyền thống trên địa bàn TP đã được mở cửa trở lại, dù với số lượng tiểu thương hạn chế, nhưng tin rằng trong những ngày tới vấn đề cung cấp rau củ quả cho người dân TP sẽ tốt lên rất nhiều” - ông Hải hy vọng.
40 tấn rau củ quả từ ĐBSCL về TP Hồ Chí Minh bằng tàu cao tốc
Vào lúc 12 giờ trưa ngày 19/7, hai tàu cao tốc thuộc sở hữu của Công ty Công Nghệ Xanh DP, đã vận chuyển thành công 40 tấn rau củ quả về TP Hồ Chí Minh.
Đây là 2 tàu đầu tiên trong 5 tàu mà Sở Giao thông vận tải TP Hồ Chí Minh lên phương án điều động vận chuyển hàng hóa từ Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) lên TP Hồ Chí Minh. Được biết, chuyến hàng đầu tiên mỗi tàu chở 20 tấn bao gồm rau xanh, bí đỏ, dưa leo, khóm… đặt trong khoang tàu và sẽ bảo quản tốt với hệ thống điều hòa bật ở chế độ phù hợp với bảo quản rau củ.
Ngoài ra, để đảm bảo hàng chất lượng và phòng dịch bệnh chặt chẽ, toàn bộ hàng hóa được khử khuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Khi hàng về tới bến Bạch Đằng, công ty Công Nghệ Xanh DP sẽ bàn giao lại cho Sở Công thương TP để trực tiếp điều phối và phân phối hàng.
Ông Trần Song Hải - Tổng Giám đốc Công ty Công Nghệ Xanh DP cho biết, để vận hành một tàu cao tốc, đội ngũ nhân viên mỗi tàu là 5-7 người. Họ đều được kiểm tra và test Covid-19 đầy đủ. Ngày đầu tiên tàu sẽ vận chuyển 2 chuyến hàng. Tuy nhiên, mỗi ngày tàu này có thể di chuyển 2 vòng giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây.
Trước đó, Sở Giao thông vận tải TP đưa ra phương án vận chuyển hàng hóa bằng đường thủy từ Đồng bằng sông Cửu Long đến TP và ngược lại từ 19/7 nhằm phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân. Theo đó, Sở kết hợp với Sở Công thương TP và các doanh nghiệp có nhu cầu để triển khai trước tình hình 16 tỉnh, thành phía Nam giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.