Rau xanh, thực phẩm Tết: Mượn cớ để đẩy giá

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau đợt rét đậm, rét hại kéo dài, giá nhiều loại rau xanh, thực phẩm tăng chóng mặt. Điều này khiến nhiều người tiêu dùng không khỏi lo ngại về giá cả, đặc biệt khi Tết Nguyên đán đã cận kề.

Tại hầu hết các chợ nội thành, giá rau xanh đều tăng mạnh. Súp lơ xanh tuần trước 12.000 đồng/cái, sang tuần này, giá đã tăng thêm 2.000 đồng lên 14.000 đồng. Su hào cũng được bán với giá từ 7.000 - 10.000 đồng/củ. Rau cải các loại tăng lên mức 20.000 đồng/kg... cà chua cũng tăng lên 25.000 - 30.000 đồng/kg.

Trong thời gian này, một số mặt hàng lương thực, thực phẩm khác cũng bị đẩy tăng theo. Chị Tú Anh, ở Khu đô thị Linh Đàm, Hà Nội cho biết, hôm trước chị mua gà ta với giá 140.000 đồng/kg, hôm sau đã lên đến 160.000 đồng/kg. Giá thịt lợn cũng nhích lên khoảng 10.000 - 20.000 đồng/kg, thịt bò từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Giá trứng gia cầm tại TP Hồ Chí Minh đã hạ nhiệt, song tại thị trường Hà Nội vẫn đứng ở mức cao. Ngoài ra, các mặt hàng tươi sống như cá, ngao, tôm… cũng tăng từ 15 - 12%. Có tên trong danh mục thực phẩm thiết yếu, giá gạo rục rịch tăng đã nhanh chóng ảnh hưởng đến tâm lý của người tiêu dùng.

Rau xanh, thực phẩm Tết: Mượn cớ để đẩy giá - Ảnh 1

Người tiêu dùng lo lắng giá các loại thực phẩm có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới. Ảnh: Linh Anh

Giá cả tăng từng ngày khiến chị em nội trợ không khỏi "sốt ruột". Nguyên nhân tăng giá rau được nhiều tiểu thương đưa ra là, vừa qua đợt thu hoạch chính vụ, thêm vào đó rét hại kéo dài khiến các loại rau khó phát triển. Theo chị Hồng Nga ở Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai), mức tăng tại các chợ dân sinh như hiện tại quá cao so với sự ảnh hưởng của giá rét. Theo dự báo, từ nay đến Tết Nguyên đán, miền Bắc sẽ còn gánh chịu thêm vài đợt rét đậm, rét hại như hiện tại. Điều này làm các chị em nội trợ lo lắng, giáp Tết, trong và sau Tết sẽ thiếu hụt rau xanh, giá cả sẽ tiếp tục tăng, làm chi phí cho bữa ăn hàng ngày tăng cao thêm.

Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh cho rằng, đã thành quy luật, càng gần Tết, giá thực phẩm sẽ càng bị đẩy cao lên. Với tâm lý "té nước theo mưa", giá thực phẩm tươi sống, đặc biệt là rau củ sẽ khó giảm trong dịp Tết nếu thời tiết không thuận lợi, nên CPI tháng 1 sẽ tăng cao. Vấn đề ở đây là cách tổ chức trong quản lý thị trường. Việc liên kết giữa nhà phân phối và nhà sản xuất quá yếu, nên dẫn đến tình trạng lực lượng trung gian đã có "đất" để tha hồ đẩy giá hoặc găm hàng chờ thời cơ tăng giá .

Bà Lê Thị Loan, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội khẳng định, rét kèm mưa phùn chỉ làm rau tăng trưởng chậm lại, làm giãn khoảng cách thu hoạch rau, không gây thiếu rau. Với trời mưa phùn, độ ẩm cao, chỉ cần có nắng ấm nhẹ lên là các loại rau lại phát triển mạnh trở lại. Với các loại thực phẩm thiết yếu, Sở sẽ phối hợp với lực lượng để kiểm soát thị trường. Hiện nay, nhiều chuyên gia cũng đề nghị trong trường hợp nguồn cung thiếu có thể cho phép nhập khẩu thực phẩm để đảm bảo bình ổn thị trường Tết Quý Tỵ.