Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rau xanh vẫn khan hàng

Phương Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khoảng gần một tháng nay, giá rau xanh luôn giữ ở mức cao, nhiều loại tăng cao gấp đôi, thậm chí gấp 3 lần so với trước Tết Nguyên đán.

Rau xanh vẫn khan hàng - Ảnh 1

Ảnh minh họa

Khảo sát một số siêu thị, chợ dân sinh trên địa bàn Hà Nội cho thấy, giá các loại rau xanh đều ở mức cao, với mức giá phổ biến như: Bắp cải 15.000 đồng/kg; su hào 8.000 đồng/củ; cải cúc 8.000 đồng/mớ; rau cần, rau muống, cải xoong có giá 15.000 đồng/mớ (bình thường chỉ 5.000 – 7.000 đồng/mớ); rau cải 25.000 – 30.000 đồng/kg; rau thơm các loại 3.000 đồng/mớ nhỏ; bí xanh, cà chua 20.000 đồng/kg; củ cải 15.000 đồng/kg…
Chị Nguyễn Thị Ánh Hồng, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên, Hà Nội cho biết, nếu như trước đây, mỗi ngày nhà chị chỉ phải chi chưa đến 20.000 đồng tiền rau thì hiện nay, riêng tiền rau xanh đã chiếm 40.000 - 50.000 đồng/ngày. "Rau xanh là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn hàng ngày của gia đình, nên dù giá đắt tôi vẫn phải mua. Mà không chỉ giá rau cao mà giá thịt cũng đang rất cao” – chị Hồng bộc bạch.
Theo chị Nguyễn Bích Hạnh, tiểu thương bán rau tại chợ Thành Công (Đống Đa, Hà Nội) giá rau xanh tăng cao gấp 2, thậm chí nhiều loại tăng gấp 3 lần so với dịp trước Tết Nguyên đán. Ngoài giá đắt đỏ, lượng hàng ở các chợ đầu mối cũng không dồi dào như trước. Chia sẻ nguyên nhân khiến rau tăng giá cao trong khoảng thời gian dài, chị Hạnh cho rằng, một phần do ảnh hưởng của đợt mưa đá dịp Tết khiến nhiều diện tích rau xanh bị hỏng. Sau đó thời tiết mưa nhiều kèm rét mướt kìm hãm sự sinh trưởng của rau xanh. Trong khi đó, thời điểm này đang là giai đoạn giao mùa nên nhiều loại rau khó phát triển. Ngoài ra, việc nguồn cung giảm, giá rau tăng cao còn do đại dịch Covid-19. Các loại rau nhập từ Trung Quốc như bắp cải, cà chua, cà rốt, khoai tây… không còn, nguồn cung chỉ phụ thuộc vào trong nước dẫn đến hàng hóa ít.
Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, vụ Đông 2019 - 2020, tổng diện tích trồng rau củ quả của các tỉnh miền Bắc ước đạt khoảng 180.000ha, giảm khoảng 5.000ha so với vụ Đông năm 2018 – 2019. Tuy nhiên, mức giảm này không có nhiều tác động tới nguồn cung rau trong dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Canh Tý. Dự báo, khoảng 2 - 3 tuần nữa, khi thời tiết ấm hơn và diện tích rau gieo trồng sau Tết đến lứa cho thu hoạch, nguồn cung trên thị trường sẽ tăng và kéo giá rau xuống thấp.