Trung bình mỗi ngày khoảng 10 – 20 bệnh nhân nhập viện, tăng 10% so với trước đó.Mới đây, các bác sĩ đã cứu sống một bệnh nhân nữ (75 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) bị đột quỵ dẫn đến liệt nửa người bên phải và không nói được. Bệnh nhân được đưa đến viện trong khoảng giờ vàng (0 – 6 giờ sau khi đột quỵ) nên được cứu chữa kịp thời bằng thuốc tiêu sợi huyết. Sau 3 ngày điều trị, bệnh nhân đã tỉnh táo, có thể nói chuyện, nửa người phải có thể vận động gần như bình thường. Tương tự, trong những ngày rét kéo dài, tại BV Đa khoa Hà Đông, BV E, BV Lão khoa T.Ư cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhân đột quỵ. Không ít trường hợp do đưa đến BV muộn, nên bệnh nhân không áp dụng được phương pháp điều trị bằng thuốc tiêu sợi huyết.Theo PGS.TS Mai Duy Tôn - Khoa A9, BV Bạch Mai, trời lạnh dễ gây ra tình trạng tăng huyết áp, co mạch, máu dễ bị đông gây tắc nghẽn, hoặc trời lạnh cơ thể dễ mắc một số bệnh nhiễm trùng và điều này là cơ hội cho những người có bệnh nên trước đó dễ bị đột quỵ. Bác sĩ Tôn khuyến cáo, khi bị đột quỵ tại nhà, người nhà nên nhanh chóng gọi cấp cứu 115 để đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất có thể điều trị chuyên sâu về đột quỵ. Tuyệt đối không để bệnh nhân ở nhà dùng thuốc không rõ nguồn gốc hoặc sử dụng phương pháp dân gian truyền miệng, nửa ngày hoặc vài ngày mới đưa đi cấp cứu làm lỡ cơ hội tối ưu để điều trị. Trong lúc chờ xe cấp cứu, nên để bệnh nhân ở tư thế nằm nghiêng, gối cao đầu, nới rộng quần áo vùng cổ.Trong điều kiện thời tiết vẫn có xu hướng rét đậm, người dân nên giữ ấm cơ thể, không ra ngoài vào ban đêm hoặc sáng sớm để tránh nhiễm lạnh đột ngột; nên ăn uống các thức ấm nóng, giàu dinh dưỡng. Những bệnh nhân có tiền sử huyết áp cao, béo phì, tiểu đường cần tuân thủ điều trị nghiêm túc, phòng cơn tăng huyết áp kịch phát, gây vỡ mạch máu, đột quỵ. Ngoài ra, cần có lối sống tích cực, hạn chế rượu bia và thuốc lá, tăng cường tập thể dục, duy trì chế độ dinh dưỡng ít béo, hạn chế đường, muối, vận động thường xuyên 30 - 60 phút mỗi ngày.