Reuters: Doanh nghiệp viễn thông ở Myanmar bị cấm xuất cảnh

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến thời điểm này Myanmar đã trải qua gần 5 tháng khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kể từ cuộc chính biến quân sự ngày 1/2.

Ảnh minh họa
Hãng tin Reutres dẫn nguồn thông tin độc quyền cho biết, Bộ Bưu chính viễn thông Myanmar đã ra thông báo này từ giữa tháng 6, yêu cầu các giám đốc điều hành (gồm cả người nước ngoài lẫn người Myanmar) phải có giấy phép đặc biệt mới có thể xuất cảnh. Một tuần sau đó, các công ty viễn thông nhận được lá thư tiếp theo từ Bộ Bưu chính viễn thông Myanmar cho biết các công ty có thời hạn đến ngày 5 - 7 để kích hoạt đầy đủ công nghệ về phần mềm theo dõi mà họ được yêu cầu trước đó. Việc này nhằm giúp chính quyền Myanmar theo dõi các cuộc gọi, tin nhắn, lưu lượng truy cập web và truy vết người dùng.
Dù chưa bao giờ bình luận về các chương trình giám sát điện tử, chính quyền quân sự Myanmar từng tuyên bố không lâu sau cuộc chính biến ngày 1/2 là Myanmar sẽ thông qua dự luật an ninh mạng. Dự luật này yêu cầu các nhà cung cấp viễn thông phải cung cấp dữ liệu khi được yêu cầu và loại bỏ hay chặn bất cứ nội dung nào ảnh hưởng đến "hòa bình, ổn định và sự thống nhất" ở Myanmar. Nguồn tin của Reuters cho biết lệnh cấm nói trên nhằm gây áp lực buộc các công ty viễn thông phải hoàn tất việc kích hoạt phần mềm theo dõi dù không nói rõ lý do cấm.
Tính đến thời điểm này Myanmar đã trải qua gần 5 tháng khủng hoảng chính trị nghiêm trọng kể từ cuộc chính biến quân sự ngày 1/2. Người dân vẫn xuống đường biểu tình hằng ngày phản đối chính quyền quân sự. Giao tranh giữa quân đội Myanmar và các nhóm phiến quân ngày càng leo thang.
Trong một diễn biến liên quan, New York Times dẫn báo cáo của chính quyền quân sự Myanmar cho biết số ca mắc Covid-19 theo ngày tại quốc gia này đã tăng nhanh thời gian gần đây với tỷ lệ xét nghiệm dương tính lên gần 22% vào ngày 1/7.

Giới phân tích cho rằng số ca nhiễm thực tế ở Myanmar cao hơn nhiều do quy mô xét nghiệm hiện nay rất hạn chế. Đáng lo nhất là 3 ổ dịch ở 3 cộng đồng dân cư lớn nhất của Myanmar nằm giáp với Ấn Độ - quốc gia đang bị biến thể Delta ''nhấn chìm''. Trước ngày 1/2, Myanmar nhận được 3,5 triệu liều vaccine từ Ấn Độ, nhưng sau đó kế hoạch tiêm chủng bị gián đoạn do chính biến. Quốc gia Đông Nam Á đã trải qua một đợt bùng dịch lớn từ tháng 9/2020 đến tháng 1/2021, với hơn 140.000 người nhiễm và 3.100 người tử vong.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần