Rõ định hướng để gỡ điểm nghẽn về hạ tầng giao thông

Hà Bình - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tập trung đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường không kết nối các vùng, khu vực, các trung tâm kinh tế trong nước và quốc tế, đó là một trong những vấn đề được quan tâm trong Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Tại cuộc tọa đàm do báo Kinh tế & Đô thị vừa tổ chức, Thạc sĩ Phan Trường Thành (chuyên gia giao thông) nhận định, việc xác định rõ những định hướng, giải pháp để thúc đẩy xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, trong đó có giao thông là cần thiết và rất quan trọng.

Nhìn nhận rõ nguyên nhân của hạn chế

Trong thời gian qua, Đảng, Quốc hội và Chính phủ đặc biệt quan tâm, kết quả đầu tư hạ tầng giao thông và đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Trong Dự thảo các Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ những kết quả đạt được trong phát triển hệ thống đường cao tốc, liên vùng… Theo Thạc sĩ Nguyễn Trường Thành, những kết quả này rất đáng tự hào. Bởi hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại và tính kết nối cao có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, bảo đảm sự thông suốt toàn bộ nền kinh tế quốc gia, cũng như vùng và địa phương.
 Thạc sĩ Phan Trường Thành. Ảnh: Công Hùng
Hạ tầng giao thông tốt giúp thúc đẩy liên kết và hợp tác chặt chẽ trong vùng, kết nối thị trường vùng và liên vùng với thị trường quốc gia và quốc tế, khai thác và hiện thực hóa các tiềm năng kinh tế của địa phương; nâng cao hiệu quả đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh... “Từ vai trò ý nghĩa quan trọng như vậy, Dự thảo Báo cáo Chính trị trình Đại hội XIII của Đảng đã xác định một phần trong 3 khâu đột phá cho nhiệm kỳ tới là xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông. Đây là quan điểm, định hướng hoàn toàn đúng đắn trong thời gian tới” – Thạc sĩ Phan Trường Thành nhận định.

Tuy nhiên, cùng với những kết quả, qua thực tế cũng như những hạn chế đã chỉ ra trong Dự thảo các Văn kiện có thể thấy. Hệ thống hạ tầng giao thông đất nước ta vẫn còn là điểm nghẽn đối với nhu cầu phát triển đất nước như: Đường bộ cao tốc mới bước đầu hình thành, chưa hoàn thành mục tiêu đặt ra; hệ thống đường sắt lạc hậu, chưa đầu tư được đường sắt tốc độ cao, đường sắt đô thị mới đầu tư xây dựng những tuyến đầu tiên; cảng biển chưa khai thác hết công suất; một số cảng hàng không đã quá tải... Chính vì thế nên chưa hình thành được hệ thống giao thông đồng bộ, hiện đại.

Theo Thạc sĩ Phan Trường Thành, nên làm rõ các nguyên nhân của hạn chế này. Cụ thể như, tốc độ đô thị hóa nhanh, dân số cơ học tăng nhanh cùng với sự gia tăng rất lớn về phương tiện giao thông dẫn đến tình trạng quá tải về kết cấu hạ tầng giao thông đô thị, ùn tắc giao thông. Các quy định của pháp luật trong lĩnh vực đầu tư xây dựng có nhiều thay đổi, trong khi các chủ đầu tư, cơ quan chuyên môn chưa kịp thời bắt nhịp dẫn đến vướng mắc kéo dài khi triển khai, tháo gỡ thủ tục dự án. Quy hoạch mạng lưới hạ tầng giao thông còn chưa đồng bộ, công tác dự báo quy hoạch còn hạn chế và chưa điều chỉnh theo kịp với thực tế phát triển. Cùng với đó, nguồn lực đầu tư từ ngân sách đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vẫn còn hạn chế. Nguồn vốn ODA cũng giảm và khó tiếp cận, thiếu cơ chế, chính sách đặc thù để hấp dẫn, thu hút đầu tư theo hướng xã hội hóa có hiệu quả. Cơ cấu nguồn lực đầu tư còn chưa hợp lý, nhiều lĩnh vực kết cấu hạ tầng giao thông chưa được quan tâm đầu tư đúng mức (đường sắt, đường thủy).

Đồng thời, một số hạn chế trong triển khai các dự án giao thông như tiến độ thực hiện kéo dài, thiếu tính kết nối, hiệu quả, nhiều công trình trọng điểm lĩnh vực chậm tiến độ… cũng nên được chỉ rõ để có hướng khắc phục.

Có định hướng về nguồn lực

Góp ý thêm các giải pháp để thực hiện hiệu quả nội dung đã đề cập trong khâu đột phá liên quan đến phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, theo Thạc sỹ Phan Trường Thành: Dự thảo các Văn kiện đã đưa ra những giải pháp rất đúng và trúng để thực hiện, trong đó có giải pháp ứng dụng khoa học công nghệ. Tuy nhiên, từ thực tế cũng cần quan tâm đến những giải pháp như, trước hết, cần rà soát quy hoạch đảm bảo đồng bộ, tránh chồng chéo; tăng cường khả năng tính toán dự báo sát với thực tế đảm bảo tính khả thi trong điều kiện thực tế; cân đối lại tỷ lệ và phương thức đầu tư giữa đường bộ, đường sắt, đường sông, hàng không… “Theo tôi, không phát triển hạ tầng giao thông bằng mọi giá, phải thật sự tính toán kỹ, cân nhắc lợi ích của Nhân dân, lợi ích của Nhà nước khi quyết định triển khai dự án; không đầu tư dàn trải mà cần đầu tư có trọng tâm, trọng điểm. Phải cân nhắc dự án nào xây dựng bằng ngân sách Nhà nước, dự án nào bằng hình thức xã hội hóa bảo đảm hài hòa các lợi ích của nhân dân, doanh nghiệp và Nhà nước”- Thạc sỹ Phan Trường Thành nêu.

Cùng với đó, những vấn đề quanh việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát; đối mới về quy định pháp luật tiệm cận với luật quốc tế để thu hút nhà đầu tư… cũng được Thạc sĩ Phan Trường Thành đề xuất, góp ý. Đặc biệt, theo Thạc sĩ Phan Trường Thành phải chỉ ra được nguồn lực, nguồn vốn để huy động thực hiện dự án, đây là vấn đề quan trọng. Trong phạm vi Dự thảo Báo cáo Chính trị chỉ có thể đề cập đến những vấn đề chung mang tính định hướng, then chốt quyết định đối các ngành, các lĩnh vực. Nhưng việc có đề cập đến làm căn cứ cho các ngành, các cấp, địa phương triển khai chi tiết bằng các quy hoạch, chương trình, kế hoạch, đề án, cụ thể để hóa Nghị quyết sau khi được Đại hội thông qua phù hợp với đặc thù riêng cũng rất cần thiết.

"Việc xây dựng cơ chế đẩy mạnh huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội, đa dạng hóa hình thức đầu tư cho các lĩnh vực xây dựng kết cấu hạ tầng, trong đó có giao thông là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện tốt một nội dung trong 3 khâu đột phá đã được đặt ra." - Chuyên gia giao thông, Thạc sĩ Phan Trường Thành

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần