Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiếp tục thí điểm Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị tại Hà Nội

Rõ trách nhiệm, giảm chồng chéo

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ đô Hà Nội là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, kéo theo đó là số lượng các công trình xây dựng được triển khai thi công hàng năm thuộc nhóm đứng đầu cả nước.

Trong bối cảnh đó, công tác quản lý trật tự xây dựng (TTXD) đô thị là vấn đề được đặc biệt quan tâm. Trên cơ sở đó, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã phê chuẩn đề xuất kéo dài thời gian thực hiện thí điểm Đội Quản lý TTXD đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội.

Nhiều chuyển biến tích cực

Là một trong hai đô thị đặc biệt của cả nước, những năm qua, Hà Nội có tốc độ đô thị hóa nhanh. Trung bình hàng năm, trên địa bàn TP có khoảng 15.000 công trình xây dựng được khởi công (trung bình 41 công trình/ngày). Khối lượng công trình lớn đòi hỏi công tác quản lý TTXD phải thực hiện thường xuyên, liên tục. Tuy vậy, hiện nhiệm vụ này còn một số khó khăn, bất cập cần sớm tháo gỡ, khắc phục nhằm nâng cao hiệu quả quản lý.

Mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã ngày càng phát huy hiệu quả. Ảnh: Thanh Hà
Mô hình Đội quản lý trật tự xây dựng đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã ngày càng phát huy hiệu quả. Ảnh: Thanh Hà

Vi phạm TTXD là một trong những vấn đề nóng, gây bức xúc dư luận của TP Hà Nội trong suốt một thời gian dài. Có những thời điểm, số lượng vi phạm chiếm tới 18% tổng số lượng các công trình triển khai hàng năm. Tuy nhiên, từ khi TP chủ trương đề xuất thí điểm chuyển giao Đội Quản lý TTXD đô thị từ cấp sở về trực thuộc quản lý của UBND quận, huyện, thị xã, công tác quản lý TTXD đã có nhiều chuyển biến tích cực. Cụ thể, ở giai đoạn 2011 - 2015, tỷ lệ vi phạm TTXD luôn ở mức cao bình quân 18%/năm nhưng bước sang giai đoạn thực hiện thí điểm, tỷ lệ vi phạm đã giảm mạnh: Năm 2016 là 13,5%, năm 2017 chiếm 10,99%, năm 2018 chiếm 5,22%, năm 2019 giảm xuống còn 3,07%.

So với cùng kỳ 4 năm trước khi thực hiện, tỷ lệ công trình có phép, miễn phép trên địa bàn TP tăng 2,9% (từ 96,59% lên 99,49%). Tỷ lệ số công trình có vi phạm trên tổng số công trình xây dựng giảm 5,13% (từ 8,82% xuống 3,69%). Bên cạnh đó, số lượng công trình vi phạm giảm 4.331 trường hợp (từ 7.142 còn 2.811).

 

Trong sửa đổi Luật Thủ đô tới đây, cần bổ sung quy định cho phép TP thành lập cơ quan đặc thù theo hướng quy định chức năng, nhiệm vụ của Đội Quản lý TTXD đô thị như Thanh tra xây dựng bố trí tại các quận, huyện hoặc bổ sung quy định chức năng quản lý TTXD cho Phòng Quản lý đô thị cấp huyện, tăng biên chế cho phòng này; bố trí mỗi xã, phường một biên chế làm quản lý TTXD.
Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Nguyễn Đình Hoa

Tỷ lệ công trình vi phạm đã giải quyết dứt điểm giảm 8,92% (từ 91,73% còn 82,81%). Đặc biệt, chỉ tính riêng trong năm 2022, Đội quản lý TTXD đô thị quận, huyện, thị xã đã tiến hành kiểm tra đối với 18.131 công trình (đạt 100% số lượng kiểm tra), qua đó đã phát hiện và thiết lập hồ sơ xử lý đối với 472 trường hợp vi phạm, chiếm tỷ lệ 1,87%.

“Nếu như thời gian trước, vi phạm trật tự xây dựng chiếm tới 15 - 18% số công trình xây dựng mới, thì 5 năm gần đây, tình hình đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đặc biệt, sau khi thực hiện mô hình thí điểm Đội Quản lý TTXD đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã, các công trình xây dựng cơ bản đã được kiểm tra, kiểm soát; vi phạm được phát hiện, xử lý kịp thời. Các công trình vi phạm quy hoạch, TTXD giảm về số lượng và quy mô vi phạm. Những trường hợp vi phạm phức tạp, nổi cộm, gây bức xúc dư luận dần được hạn chế” - Chánh Thanh tra Sở Xây dựng TP Hà Nội Nguyễn Việt Dũng cho hay.

Cần tiếp tục kiện toàn

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, Đội Quản lý TTXD đã có từ năm 1990, trải qua nhiều mô hình khác nhau. Nhưng mô hình Đội Quản lý TTXD đô thị trực thuộc UBND quận, huyện, thị xã hiện nay là hợp lý, hiệu quả và rất quan trọng trong công tác quản lý hoạt động xây dựng tại địa bàn. Ưu điểm của mô hình thí điểm là tạo sự thống nhất, tập trung, xuyên suốt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của UBND quận, huyện, thị xã về quản lý TTXD tại địa phương. Đồng thời nâng cao tính chịu trách nhiệm toàn diện của Chủ tịch UBND cấp huyện, xã trong công tác quản lý TTXD.

“Chức năng, nhiệm vụ của Đội Quản lý TTXD đô thị, trách nhiệm, cơ chế tham gia phối hợp của cơ quan, đơn vị liên quan được quy định cụ thể hơn kể từ khi chuyển mô hình quản lý về UBND quận, huyện, thị xã. Qua đó, bảo đảm nguyên tắc 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”. Tình trạng chồng chéo chức năng hoặc né tránh trách nhiệm trong công tác quản lý TTXD dần được hạn chế” – ông Hoàng Cao Thắng nhìn nhận.

Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý kéo dài thí điểm mô hình Đội Quản lý TTXD thuộc UBND quận, huyện, thị xã trên địa bàn Thủ đô. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục kiện toàn chức năng tham mưu, giúp UBND cấp huyện thực thi các quy định pháp luật trong lĩnh vực TTXD đô thị; trang bị phương tiện làm việc theo quy định của pháp luật, chịu sự chỉ đạo, quản lý của UBND cấp huyện và sự chỉ đạo, kiểm tra, hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Sở Xây dựng.

Mặc dù công tác quản lý Nhà nước về TTXD đô thị đã đạt nhiều kết quả tích cực kể từ khi thí điểm mô hình Đội Quản lý TTXD đô thị thuộc quản lý của UBND quận, huyện, thị xã nhưng hình thức vi phạm lại diễn biến phức tạp, khó lường hơn, đáng quan ngại. Tình trạng này xảy ra ở hầu hết các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô.

Đơn cử đối với những công trình “siêu mỏng, siêu méo”, trên địa bàn có thêm 130 công trình phát sinh thời điểm trước năm 2020, trong đó quận Ba Đình (52 trường hợp), Tây Hồ (32), Cầu Giấy (24), Đống Đa (12)... Bên cạnh đó, việc xử lý công trình tồn đọng diễn ra chậm (giai đoạn 2015 – 2020) có 32 công trình thuộc thẩm quyền giải quyết của 15 quận, huyện, thị xã, nhưng đến nay vẫn chưa giải quyết xong).

Theo đánh giá, việc để công trình vi phạm phát sinh và chậm xử lý công trình vi phạm tồn đọng là do những hạn chế về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Đội Quản lý TTXD. Nhằm khắc phục hạn chế này cần phải sớm kiện toàn bộ máy hoạt động và quy định về chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền cho phép các Đội Quản lý TTXD được giải quyết một số công việc mang tính đặc thù nhằm tránh tình trạng chồng chéo. Cùng với đó, phải quy định thêm trách nhiệm để không xảy ra tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm.

“Qua theo dõi hoạt động của Đội Quản lý TTXD đô thị trực thuộc các quận, huyện tại TP Hà Nội thời gian qua, mô hình đang phát huy hiệu quả tốt; cơ bản phù hợp thực tế. Thời gian thí điểm đã kéo dài một lần, vì vậy Sở Xây dựng, Sở Nội vụ Hà Nội cần tham mưu TP sớm đề xuất bổ sung một tổ chức hành chính như Đội Quản lý TTXD đô thị vào Luật Thủ đô đang đề xuất sửa đổi hiện nay, để có cơ sở pháp lý triển khai thực hiện phù hợp” - Phó Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng Chu Hồng Uy cho hay.

 

Để phát huy hết hiệu quả mô hình thí điểm Đội Quản lý TTXD đô thị cần quy định rõ trình tự thiết lập hồ sơ, xử lý vi phạm; trách nhiệm và thẩm quyền xử lý, các biện pháp của Chủ tịch UBND phường, Chủ tịch UBND quận. Đồng thời bổ sung thẩm quyền xử lý đối với Đội trưởng Đội Quản lý TTXD đô thị nhằm đảm bảo vi phạm về trật tự xây dựng tại đô thị được phát hiện và xử lý kịp thời như Nghị định số 180/2007/NĐ-CP ngày 7/12/2007.
Đội trưởng Đội Quản lý TTXD quận Đống Đa Trần Anh Tuấn

Tại Quyết định số 26/2018/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ đã cho phép thí điểm thành lập Đội Quản lý TTXD đô thị trên cơ sở tổ chức lại Đội Thanh tra xây dựng quận, huyện, thị xã tại TP Hà Nội trong thời gian 24 tháng (kể từ ngày 10/8/2018) và tiếp tục được gia hạn đến hết ngày 10/8/2022. Với nhiều chuyển biến tích cực, TP Hà Nội đã đề xuất được tiếp tục thí điểm để có thêm dữ liệu, tính thực tiễn đánh giá cụ thể đối với mô hình này và đã được Thủ tướng đồng ý tại gia hạn đến hết ngày 10/8/2023.