Rộn ràng các chương trình mừng Đảng, mừng Xuân

Hà Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đến nay, hầu hết các chương trình nghệ thuật, điểm vui chơi chào đón Xuân Canh Tý đã được chuẩn bị, chỉ chờ giờ kéo màn sân khấu. Rộn ràng, truyền cảm hứng nhiều thông điệp ý nghĩa, là điểm chung của các chương trình mừng Đảng, mừng Xuân năm nay.

“Chiều cuối năm - Tết kết nối” sẽ phát sóng vào 17 giờ ngày 24/1 (30 Tết) trên kênh VTV1, là điểm hẹn đặc biệt mà ngay từ cái tên đã gợi rất nhiều cảm xúc. Năm nay, với chủ đề "Tết kết nối", ê-kíp sản xuất của Ban Thời sự, Đài Truyền hình Việt Nam đã kỳ công chuẩn bị và lên phương án ghi hình tại nhiều bối cảnh đẹp, thể hiện sâu sắc thông điệp của chương trình.
Bối cảnh ghi hình chính của “Chiều cuối năm” trải dài ở nhiều tỉnh, thành, từ Lào Cai, Hà Nội, Quảng Ninh đến Lâm Đồng, TP Hồ Chí Minh. Cùng với các phóng sự có chung từ khóa liên quan đến chủ đề, “Chiều cuối năm” mong muốn cùng khán giả nhìn lại một bức tranh đa sắc màu về kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước.
“Chiều cuối năm” đan xen giữa phần trải nghiệm của các BTV dẫn hay phóng sự, các tiết mục biểu diễn được đầu tư công phu, thể hiện sáng tạo và gửi gắm thông điệp xuyên suốt của chương trình.
 Chương trình nghệ thuật chào mừng năm mới. Ảnh: Phạm Hùng
Nối sóng “Chiều cuối năm” sẽ không phải là chương trình “Táo quân” như thường lệ, mà là “Gặp nhau cuối năm”. Chương trình sẽ được phát sóng vào 20 giờ ngày 24/1 (tối 30 Tết). “Gặp nhau cuối năm” sẽ quy tụ dàn diễn viên hài đình đám đất Bắc như NSƯT Chí Trung, NSND Quốc Khánh, NSND Tự Long, NSƯT Quang Thắng, nghệ sĩ Vân Dung, Đỗ Duy Nam… và cả "cặp bài trùng" danh hài Xuân Hinh – NSƯT Thanh Thanh Hiền.
Tuy nhiên, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải - Giám đốc Trung tâm Sản xuất phim truyền hình (VFC) - Đài Truyền hình Việt Nam thì “Gặp nhau cuối năm” sẽ được thực hiện theo định dạng, hình thức lẫn nội dung khác hẳn các năm trước đây. Chương trình mới như màu sắc chủ đạo vẫn là hài kịch, nội dung vẫn là những vấn đề, câu chuyện của xã hội trong năm qua nhưng sẽ có màu sắc mới.
Các nghệ sĩ tham gia sẽ lên một chương trình hấp dẫn và phù hợp trong không khí của đêm 30 mà khán giả nhiều tầng lớp, nhiều thế hệ cùng xem truyền hình cảm thấy được vui vẻ, thoải mái...
Không chỉ VTV, các đơn vị nghệ thuật trên địa bàn sân khấu Thủ đô trong những ngày qua cũng đang hối hả luyện tập cho các chương trình nghệ thuật mới. Trong đó, Nhà hát Tuổi trẻ sẽ cho ra mắt chương trình "Lời chúc đầu Xuân 2020" là sự kết hợp giữa ca múa nhạc và hài kịch với những tiết mục mang chủ đề mùa Xuân và Hà Nội. Liên đoàn Xiếc Việt Nam cùng tưng bừng với chương trình xiếc “Mừng Đảng, mừng Xuân” kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, đón Xuân Canh Tý năm 2020.
Được biết, đây là chương trình được xây dựng dành cho cả người lớn, để thay đổi quan niệm của mọi người rằng, xiếc chỉ dành cho trẻ em. Nhà hát Chèo Hà Nội cũng đang gấp rút luyện tập để chuẩn bị ra mắt vở “Tình sử Thăng Long”, khắc họa mối tình của Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh - hai vị vua cuối thời Lý và đầu thời Trần trên đất Thăng Long. Nhà hát Cải lương Việt Nam khai Xuân bằng 2 vở mới là “Bên ánh sao khuê” và “Vì sao lạc xứ” về những nhân vật lịch sử của đất Thăng Long.
Còn Nhà hát Chèo Việt Nam tiếp tục góp cho Tết chương trình biểu diễn chầu văn đặc sắc… Rầm rộ nhất trong các đơn vị nghệ thuật Thủ đô trong dịp Tết năm nay là Nhà hát Kịch Hà Nội. Cùng với vở diễn “Hà thành chính khí”, theo NSND Trung Hiếu - Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội thì đơn vị đang gấp rút hoàn thành thêm 2 tác phẩm là chùm hài kịch “Phố” và vở kịch nói “Kẻ trộm” để phục vụ khán giả dịp Tết Nguyên đán.
Chương trình ''Gặp nhau cuối năm 2020'' sẽ được phát sóng vào tối 30 tháng Chạp Xuân Canh Tý.
Không chỉ các đơn vị sân khấu “đỏ đèn” trong dịp Tết, các trung tâm văn hóa trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ tổ chức nhiều hoạt động mừng Tết đến, Xuân về. Theo đó, Hội chữ Xuân 2020 đã chính thức khai bút tại Hồ Văn (Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám). Tuy nhiên, thời điểm rộn ràng nhất của Hội chữ sẽ là từ chiều 30 Tết đến trước Rằm tháng Giêng. Hội chữ thu hút 52 ông đồ viết thư pháp Hán - Nôm và Quốc ngữ.
Các ông đồ sẽ cùng tham gia viết chữ tại không gian Hồ Văn, trình diễn thư pháp cũng như quảng bá văn hóa thông qua truyền thống hiếu học của dân tộc. Bên cạnh hoạt động cho chữ ngày Xuân, Hội chữ Xuân Canh Tý 2020 còn có các không gian tôn vinh, giới thiệu sản phẩm làng nghề truyền thống, không gian diễn xướng nghệ thuật dân gian quan họ, ca trù, hát xẩm, chầu văn..., thưởng thức ẩm thực và trải nghiệm trò chơi truyền thống bịt mắt bắt dê, ô ăn quan, đập niêu đất, nhảy sạp, kéo co…
Cũng tại không gian Khu di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hội Nhà văn Việt Nam sẽ tổ chức Ngày thơ Việt Nam đúng ngày Rằm tháng Giêng có chủ đề "Đồng hành cùng đất nước". Dự kiến có 7 đoàn nhà thơ quốc tế sẽ sang tham dự. Trong khuôn khổ chương trình sẽ diễn ra cuộc đối thoại Thi ca đương đại Việt Nam và Hàn Quốc trong tương quan phát triển văn học, ra mắt các tập thơ của một số nhà thơ quốc tế.
Tại sân thơ Văn Miếu có triển lãm thơ của 90 nhà thơ Việt Nam thuộc các thế hệ trước 1975 và sau 1975. Năm nay sẽ không có lễ thả thơ, thay vào đó chọn 50 câu hay viết trên lụa đỏ để trình diễn trên các sân khấu thơ. Bên ngoài sân khấu thơ chính ở Văn Miếu là nơi diễn ra các hoạt động phong phú và sôi nổi của các CLB thơ và CLB nghệ thuật trên địa bàn TP...
Chợ hoa phố cổ - chợ hoa Hàng Lược đã họp từ ngày 18 - 24/1 (tức từ 24 - 30 tháng Chạp) để phục vụ Nhân dân Thủ đô mua sắm đón Tết cũng như thưởng thức thú chơi hoa Tết. Nơi đây đang tái hiện Tết Việt trong không gian văn hóa phố cổ và phố đi bộ Hà Nội. Nghi lễ quan trọng nhất của sự kiện sẽ là Lễ dựng nêu tại vườn hoa hồ Hoàn Kiếm, trước cổng đền Ngọc Sơn.
Cùng với đó là các hoạt động diễn xướng dân gian như: Múa sư tử - nghê thời Lý; múa, hát cửa đình; múa bồng; hát xoan… và những làn điệu âm nhạc dân gian đặc sắc của các vùng miền. Tại không gian đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc) là các hoạt động lễ dâng thành hoàng, hát cửa đình - hát thờ thành hoàng; trưng bày tranh Kim Hoàng, tranh Đông Hồ; trưng bày đầu tượng sư tử - nghê, lấy mẫu từ đầu tượng sư tử - nghê, thời Lý, chùa Bà Tấm, Gia Lâm (Hà Nội).
Các nghi lễ gói, luộc bánh chưng, nghi lễ cúng Tất niên của gia đình Hà Nội sẽ được thực hiện tại Ngôi nhà di sản (87 Mã Mây). Tại đây, du khách sẽ được cảm nhận không gian Tết của một gia đình Hà Nội xưa với mâm cỗ Tất niên, cảnh quây quần bên nồi bánh chưng, thưởng thức các món ăn đặc sản Tết của Hà Thành, chiêm ngưỡng các tác phẩm nghệ thuật dân gian Hàng Trống...