8 giờ sáng nay, chùa Hương mới khai hội tại chùa Thiên Trù, nhưng theo Trưởng Ban quản lý Khu danh thắng Hương Sơn Nguyễn Chí Thanh, từ mùng 1 đến mùng 5 tháng Giêng năm Mậu Tuất, khu di tích đã đón gần 20 vạn du khách, tăng hơn 2 vạn người so với cùng kỳ năm 2017. Hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ được phân luồng thông thoáng, song do lượng người đổ về động Hương Tích quá đông, nên có hiện tượng tắc cáp treo.
Lễ hội chùa Hương 2018 là mốc quan trọng, kỷ niệm 60 năm Bác Hồ về thăm Di tích thắng cảnh Hương Sơn, đồng thời đón nhận bằng công nhận di tích quốc gia đặc biệt. Năm nay, khoảng 4.500 đò phục vụ du khách đã được sơn lại đồng bộ màu xanh, gắn biển số, trang bị phao cứu sinh và giỏ đựng rác. Đặc biệt, Ban tổ chức lễ hội kiên quyết không để xuồng máy, đò gắn động cơ vận chuyển khách trên suối Yến, nhằm giữ gìn nét đẹp tự nhiên, không làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường. Để đảm bảo an ninh trật tự tại lễ hội, lực lượng công an huyện cũng được tăng cường để phân luồng giao thông… Ban tổ chức Lễ hội chùa Hương 2018 cũng đề nghị Ban Trị sự thống nhất phương án không phát lộc tại lễ hội, tránh hiện tượng du khách chen lấn, xô đẩy. Các tổ kiểm tra liên ngành sẽ duy trì hoạt động trong 3 tháng diễn ra lễ hội; lực lượng chức năng cũng sẽ tăng cường kiểm soát, xử lý các đối tượng “cò mồi”, chèo kéo, “chặt chém” giá hay các đối tượng kinh doanh hình thức “vui chơi có thưởng”… l Hôm nay, Lễ hội Gióng cũng sẽ khai mạc tại Khu di tích lịch sử đền Sóc, lễ hội đền Hai Bà Trưng khai hội tại huyện Mê Linh. Năm nay, Ban tổ chức lễ hội quyết định thay đổi phương thức triển khai tục cướp lộc. Trưởng phòng Văn hóa thông tin huyện Sóc Sơn Đoàn Văn Sinh cho biết: “Sau lễ cung tiến, giò hoa tre và giò trầu cau sẽ được di chuyển vào hậu cung đền Thượng, chia nhỏ và tất lộc, không cướp lộc tập trung như mọi năm”. Bên cạnh thay đổi quan trọng này, dân phòng, thanh niên tình nguyện… sẽ tiếp tục được huy động nhằm xử lý kịp thời những sự cố xảy ra trong 3 ngày lễ hội. Còn tại lễ hội Hai Bà Trưng, trong buổi khai hội, Ban tổ chức sẽ đón bằng công nhận lễ hội là di sản phi vật thể cấp quốc gia. Theo Trưởng Ban quản lý di tích đền Hai Bà Trưng Đỗ Đình Đức, năm nay phần lễ sẽ được giữ nguyên, phần hội sẽ đa dạng các hoạt động hơn với các chương trình biểu diễn nghệ thuật, trò chơi dân gian truyền thống... Ngoài ra, trong ngày 21/2, nhiều lễ hội lớn của Thủ đô và cả nước cũng khai màn như lễ hội Cổ Loa, lễ hội Ném Thượng (Bắc Ninh)... Tiếp sau đó là lễ hội Yên Tử (Quảng Ninh), đền Trần (Nam Định), Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)… Cho dù, mấy năm nay lễ hội vẫn xảy ra một số hiện tượng phản cảm, nhưng lễ hội đầu Xuân vẫn là một nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt.