Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rộn ràng điểm hẹn văn hóa ngày Xuân

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chào đón năm mới Quý Mão 2023, Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, thể thao, trang trí, cổ động trực quan, nhằm tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong Nhân dân Thủ đô.

Du khách check-in đường hoa Home Hanoi Xuân 2023. Ảnh: Trần Dũng
Du khách check-in đường hoa Home Hanoi Xuân 2023. Ảnh: Trần Dũng

Điểm hẹn trong năm mới

Từ ngày 16 - 29/1 (tức ngày 25 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến mùng 8 Tết Quý Mão), UBND quận Hoàn Kiếm tổ chức chương trình “Phố Sách Xuân Quý Mão 2023” với chủ đề “Ươm mầm tri thức - Nảy lộc sắc Xuân”.

Để Phố Sách Xuân là điểm đến du Xuân ý nghĩa, phục vụ Nhân dân vào dịp Tết, Ban Tổ chức đã tăng cường công tác chỉnh trang, đầu tư thêm các hạng mục trang trí Phố Sách Hà Nội như: Cổng chào, sân khấu, ánh sáng sinh động, tiểu cảnh; bố trí các gian hàng cổ, gian ông đồ mang đậm màu sắc Xuân Hà Nội.

Phố Sách Xuân còn được bố trí thêm một số gian hàng sách, các khu vực đọc sách miễn phí, khu chụp ảnh, khu vui chơi dành cho trẻ em, đáp ứng các nhu cầu đa dạng của bạn đọc và du khách khi tham quan Phố Sách. Ban Tổ chức sẽ chuẩn bị một số chương trình đặc biệt, phù hợp không khí lễ hội Xuân như chương trình ca múa nhạc "Mừng Đảng - Mừng Xuân"; giao lưu, biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống và hiện đại như ca trù, hát xẩm, hát văn; biểu diễn thời trang dành cho thiếu nhi với chủ đề “Áo dài và Tết”.

Bên cạnh đó, Phố Sách Xuân Quý Mão 2023 còn có những nội dung diễn ra thường xuyên như: Giới thiệu nghệ thuật thư pháp, câu đối Tết; tô màu tranh thiếu nhi; tổ chức cuộc thi vẽ “Xuân muôn sắc, sách muôn màu”; trưng bày tranh dân gian Hàng Trống; nặn tò he; trải nghiệm các trò chơi dân gian…

Cùng với phố sách, đường hoa Home Hanoi Xuan 2023 tại Mailand Hanoi City (huyện Hoài Đức) mở cửa tự do cho khách tham quan từ ngày 13 - 25/1 (ngày 22 tháng Chạp đến mùng 4 tháng Giêng). Với chủ đề "Vũ trụ Tết diệu kỳ", đường hoa Xuân năm nay chia thành 6 phân khu: Cung đường ngàn mây, Hành tinh vàng son, Hành tinh tài lộc, Ngân hà kỳ hoa, Ngân hà sung túc và Ký ức diệu kỳ. Mỗi phân khu đều trang trí bằng các loại cây, hoa đủ màu sắc kết hợp với các tiểu cảnh độc đáo, tượng trưng cho hành trình Tết truyền thống từ quá khứ, hiện đại đến tương lai.

Ngoài việc dạo chơi đường hoa, mua sắm tại hội chợ “Happy Tết”, du khách còn được trải nghiệm không gian Tết xưa tại phố đi bộ Pont de Long Bien. Bên những ngôi nhà mái ngói đỏ đặc trưng của phố cổ Hà Nội, khách du lịch có thể tự tay gói bánh chưng, làm đồ gốm, làm hương, treo điều ước lên cây tài lộc để cầu bình an, xin chữ ông đồ. Giữa không gian tràn ngập không khí Xuân, các em nhỏ có thể tự tay làm đồ trang trí Tết, cả gia đình diện áo dài chụp ảnh.

Làm mới không gian quen thuộc

Năm nay, các điểm di tích tại Hà Nội đưa ra nhiều sản phẩm du lịch mới hấp dẫn và nhiều điểm di tích như đền Ngọc Sơn, Quán Thánh, phủ Tây Hồ, Hỏa Lò, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đều mở cửa xuyên Tết phục vụ khách du Xuân chơi Tết Việt.

Dịp Tết Nguyên đán, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đưa ra sản phẩm du lịch riêng là tour “Du Xuân - Ghi danh Quốc Tử Giám”. Với tour này, du khách không chỉ tham quan Văn Miếu, Hội chữ Xuân Quý Mão được tổ chức tách biệt bên khu Hồ Văn mà còn được tặng thẻ chữ Phúc, Lộc, An Khang, trên đó khách ghi lưu bút mong ước, mục tiêu năm mới. Những thẻ chữ này sẽ được lưu lại tại không gian tâm linh Hồ Văn - minh đường của Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Khách còn được tham gia lễ dâng hương tại Đại Thành Môn - nội tự Quốc Tử Giám và hưởng những phần quà lộc may mắn đầu năm.

Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở cửa đón khách khám phá Tết truyền thống mọi miền từ mùng 4 đến mùng 8 Tết. Rất nhiều trò chơi truyền thống của các dân tộc Việt Nam trong các lễ hội Xuân được tổ chức tại bảo tàng như viết thư pháp, nặn mâm ngũ quả Tết, hát quan họ, kéo dây lẩy lửa, múa sạp, ném còn, đánh đu, kéo co, gánh lúa qua cầu, đi cà kheo, đẩy gậy, rồng rắn lên mây, mèo đuổi chuột…

Hoàng thành Thăng Long đón khách từ mùng 2 Tết Nguyên đán (nghỉ 29, 30 tháng chạp và mùng 1 Tết). Trước đó, một không khí đầy sức Xuân đã được Hoàng thành Thăng Long chuẩn bị để đón khách dịp Tết như dựng cây nêu (thượng tiêu) ở sân Đoan Môn, trưng bày hoa và cây cảnh tại khu vực Đoan Môn, điện Kính Thiên, Hậu Lâu.

Ngoài ra còn có không gian trưng bày phong tục Tết truyền thống; không gian trưng bày cung đình ngày Xuân. Từ mùng 2 - 5 Tết Quý Mão, Hoàng thành Thăng Long tổ chức biểu diễn múa rối nước, rối cạn và diễn xướng phục vụ khách tham quan.