Rộn ràng không gian Tết xưa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không hẹn mà gặp, rất nhiều điểm hẹn văn hóa ở Hà Nội trong những ngày gần đây trở thành không gian Tết xưa.

Người ta trải chiếu rủ nhau gói bánh chưng, mời chuyên gia dạy cách bày bàn thờ gia tiên, cùng nghe điệu hát ca trù, nặn các con tò he… theo không khí Xuân xưa.

Tết sớm ở Hà Nội

Đã nhiều năm nay, người thành thị mải miết đến các siêu thị, trung tâm thương mại mua thực phẩm có sẵn chuẩn bị đón Tết. Không khí cả nhà cùng quây quần gói chiếc bánh chưng đã bắt đầu lùi xa. Chính vì vậy, không phải ngẫu nhiên, tại Bảo tàng Hà Nội, Làng văn hóa các dân tộc Việt Nam, Hoàng thành Thăng Long người ta lại bày gạo, lá dong, thịt mỡ… hướng dẫn du khách trở về với truyền thống của ông cha ta mỗi khi Xuân về.
Giới trẻ thích thú với tò he truyền thống của làng Xuân La.
Giới trẻ thích thú với tò he truyền thống của làng Xuân La.
Khai mạc từ tối 29/1, đến với “Tết Việt 2016” tại Bảo tàng Hà Nội, khách tham quan được hòa mình trong không khí Tết xưa với những hình ảnh quen thuộc ngay từ cổng vào với hình ảnh cây tre, đào, quất, nhà cổ, chợ quê… Ban tổ chức bố trí hơn 200 gian hàng, được chia thành các khu: Khu làng nghề truyền thống Hà Nội, khu ẩm thực, khu dành cho các đơn vị tài trợ, khu quảng bá văn hoá, du lịch Hà Nội, khu cây cảnh Tết, khu trò chơi dân gian... Tại đây, khách tham quan vừa thưởng ngoạn những nét đẹp văn hóa người Việt ngày Tết, vừa trực tiếp tham gia vào các trò chơi và mua những món hàng trang trí, những món thực phẩm ngày Tết từ chính những cửa hàng, những làng nghề truyền thống của Hà Nội tham gia chương trình. “Trong sự kiện Tết Việt, chúng tôi coi trọng công tác bảo tồn nét văn hóa truyền thống của Tết xưa Hà Nội. Nhưng không phải phục dựng lại hoàn toàn mà chỉ gợi lại những nét chính như bày mâm cỗ ngày Tết, gói bánh chưng, cách bày đặt bàn thờ gia tiên. Lồng ghép với không gian Tết xưa là các sân khấu trình diễn hát xẩm, các trò chơi dân gian, kết hợp với làng nghề, phố nghề bán hàng phục vụ nhu cầu mua sắm của Nhân dân dịp Tết đến, Xuân về” – ông Nguyễn Tiến Đà – Giám đốc Bảo tàng Hà Nội cho biết.

Những ngày này, nghệ nhân Nguyễn Ánh Tuyết, PGS.TS Trần Lâm Biền trở nên “đắt sô” vì được Ban tổ chức ở nhiều nơi mời gọi. Mặc dù vẫn chỉ là bí quyết làm sao gói bánh cho chặt, nhân đỗ và gạo nếp cho quyện; hay bày mâm ngũ quả thế nào, ý nghĩa lộc Xuân từ hai cây mía…, nhưng đi đến đâu câu chuyện của các nghệ nhân, các chuyên gia vẫn còn thời sự.

Tái hiện trò chơi dân gian Việt

Cũng chọn dịp cuối tuần, chương trình “Khám phá tết Việt” khai mạc vào 9 giờ ngày 30/1 tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, với nhiều hoạt động tái hiện văn hóa dân gian nhiều vùng miền phía Bắc, như: Trình diễn thư pháp in tranh Đông Hồ (Bắc Ninh); chơi pháo đất, đánh đu, với sự tham gia của người dân đến từ Hải Phòng, Bắc Ninh, Hà Nội; gói bánh chưng ngày Tết, giới thiệu trò chơi kéo co ở Thạch Bàn và làng Xuân Lai (Hà Nội); nặn tò he 12 con giáp, tô vẽ tranh 12 con giáp, chơi trò chơi dân gian của các dân tộc…

Sắp tới, vào các ngày 13 và 14/2, từ 8 giờ 30 - 11 giờ 30 và từ 11 giờ 30 - 17 giờ 30, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam sẽ tổ chức chương trình “Vui xuân Bính Thân 2016”, với nhiều hoạt động giới thiệu những nét đặc sắc trong văn hóa đón năm mới của đồng bào các dân tộc Tây nguyên, các hương vị ẩm thực đặc sắc truyền thống của Tây nguyên như gỏi lá Kon Tum, bò một nắng, muối trứng kiến, cơm lam, rượu cần… do chính đồng bào dân tộc Tây nguyên chế biến.

Bất chấp giá lạnh thấu xương của thời tiết Hà Nội những ngày cận Tết, hàng nghìn người vẫn kéo đến Bảo tàng Hà Nội, Hoàng thành Thăng Long… để cảm nhận Tết xưa. Với người già là để gợi nhớ, người trẻ để thêm hiểu. Bởi vì, không gian nguyên bản của Tết Việt đã biến đổi nhiều theo thời gian, không còn chậm rãi mà trở nên hối hả cùng nhịp sống hiện đại.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần