TP Hồ Chí Minh:

Rộn ràng Lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa

Tân Tiến
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau 2 năm tạm ngừng vì dịch Covid-19, hôm nay Lễ hội Tết Nguyên tiêu chính thức diễn ra. Đây là sự kiện văn hóa đầu tiên sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm 2022 được Sở Văn hóa và Thể thao TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Theo đó, Lễ hội Tết Nguyên tiêu chính thức diễn ra lúc 16 giờ 30 phút ngày 15/2 (Rằm tháng Giêng) bằng sự mở đầu của đoàn diễu hành gần 1.000 người của hơn 20 Hội - Đoàn người Hoa, với chương trình diễu hành nghệ thuật, theo lộ trình: Hải Thượng Lãn Ông - Châu Văn Liêm - Lão Tử - Lương Nhữ Học - Nguyễn Trãi - Trần Xuân Hòa - Trung tâm Văn hóa quận 5.

Đội kèn la thuộc Hội La Cổ Sư Trúc Hiên diễu hành. Ảnh do Hội cung cấp.
Đội kèn la thuộc Hội La Cổ Sư Trúc Hiên diễu hành. Ảnh do Hội cung cấp.

Anh Hứa Văn Thông (SN 1970, nhà ở số 93/1 Bình Tây, phường 1, quận 6), cho biết từ sáng 15/2, anh cùng hơn 100 thành viên trong Hội La Cổ Sư Trúc Hiên đã đi diễu hành theo lời mời của Ban Quản lý Chùa Ông Bổn trên đường Hải Thượng Lãn Ông, quận 5.

"Lễ hội Tết Nguyên tiêu diễn ra vào Rằm tháng Giêng Âm lịch hàng năm, đây là một trong những lễ Tết truyền thống của cộng đồng người Hoa khắp nơi nói chung và tại TP Hồ Chí Minh nói riêng. Vào lúc 16 giờ 30 phút chiều nay (15/2), các thành viên trong Đoàn diễu hành của Hội La Cổ Sư Trúc Hiên sẽ tiếp tục tham gia diễu hành trong buổi Lễ chính thức. Để được tham gia Đoàn diễu hành trong Lễ hội Tết Nguyên tiêu, phải là thành viên của Hội và được mời từ trước. Do dịch Covid-19 vẫn còn nên tất cả mọi người khi tham gia đều phải thực hiện nghiêm quy tắc 5K của Bộ Y tế” - anh Thông chia sẻ.

Cũng theo anh Thông, từ hàng chục năm qua, cứ gần đến ngày Tết Nguyên tiêu, gia đình anh đều tham gia rất tích cực với nhiều thành viên. Sau khi diễu hành về đến điểm cuối là Trung tâm Văn hóa quận 5, Hội sẽ tổ chức cho các thành viên gặp mặt đầu Xuân nhằm ôn lại những việc của năm trước và phương hướng trong năm.

Em Trần Gia Hồng đang được mẹ hóa trang thành ông Thần Tài.
Em Trần Gia Hồng đang được mẹ hóa trang thành ông Thần Tài.

Lễ hội Tết Nguyên tiêu được tổ chức từ năm 1990 tại quận 5 (TP Hồ Chí Minh) nơi tập trung đông người Hoa sinh sống, với quy mô rất lớn. Từ năm 2000, Lễ hội Tết Nguyên tiêu được đưa vào danh mục các Lễ hội của TP Hồ Chí Minh. Cuối năm 2019, Lễ hội Tết Nguyên tiêu của người Hoa ở quận 5 được Bộ Văn hóa - Thể và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia.

Vào tháng 1/2020, “Tập quán xã hội và tín ngưỡng Tết Nguyên tiêu của người Hoa quận 5, TP Hồ Chí Minh” được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch trao bằng Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Bé Hứa Ái Trân (áo đỏ) đang được người thân trang điểm để chuẩn bị tham gia đoàn diễu hành vào chiều 15/2, với vai trò cầm lồng đèn cho Đoàn của Hội La Cổ Sư Trúc Hiên. Ảnh: Tân Tiến.
Bé Hứa Ái Trân (áo đỏ) đang được người thân trang điểm để chuẩn bị tham gia đoàn diễu hành vào chiều 15/2, với vai trò cầm lồng đèn cho Đoàn của Hội La Cổ Sư Trúc Hiên. Ảnh: Tân Tiến.

“Nguyên tiêu” có nghĩa là đêm vọng đầu tiên của năm mới. Dịp này người Hoa hay đi chùa, miếu nhằm cầu cho một năm bình an, khỏe mạnh, phát tài phát lộc. Tết Nguyên tiêu được tổ chức chủ yếu tại các Hội quán (nơi thờ tự của cộng đồng) tập trung nhiều ở khu vực quận 5. Các nhân vật được thờ tại các Hội quán như: Thiên Hậu Thánh Mẫu, Quan Thánh, Ông Bổn, Kim Long (các vị thần thuộc tín ngưỡng Tam Nguyên - Tam Quan), các vị thần người Hoa…

Sau khi hóa trang, em Trần Gia Hồng trờ thành ông Thần Tài để tham gia Đoàn diễu hành Lễ hội Tết Nguyên tiêu vào chiều 15/2.
Sau khi hóa trang, em Trần Gia Hồng trờ thành ông Thần Tài để tham gia Đoàn diễu hành Lễ hội Tết Nguyên tiêu vào chiều 15/2.

Lễ hội chính được tổ chức vào đêm Rằm tháng Giêng với phần lễ, hội đa dạng, đặc sắc, như: Tổ chức các nghi thức lễ, diễu hành, trình diễn ca kịch cổ truyền (tại các Hội quán người Hoa), múa lân sư rồng, thư pháp, trình diễn âm nhạc (Đại la cổ Triều Châu, Nhạc lễ Phúc Kiến).

Riêng việc cúng lễ cũng được người Hoa tổ chức tại gia đình. Vật phẩm cúng tế được chuẩn bị, gồm: Nhang, đèn, heo quay, mâm xôi, bánh (bánh bò, bánh bao, bánh lá liễu, bánh con rùa), trái cây.

Theo anh Hứa Văn Thông, tại Lễ hội Tết Nguyên tiêu không chỉ có người Hoa mà người Việt cũng tham gia. Tại ngã tư trên các tuyến đường mà Đoàn diễu hành đi ngang qua đều được lực lượng chức năng rào chắn để bảo đảm an toàn giao thông. Năm nay Lễ hội được tổ chức với nhiều hoạt động phong phú, đặc sắc.

“Từ ngày 11/2, tại khu vực trước số 107 Trần Hưng Đạo, phường 6, quận 5, Ban tổ chức Lễ hội Tết Nguyên tiêu đã tổ chức cho hơn 40 gian hàng ẩm thực với chủ đề “Không gian văn hoá, ẩm thực Việt - Hoa” với hơn 100 món ăn truyền thống của người Việt - Hoa, được chế biến bởi những đầu bếp chuyên nghiệp, như: Phở, bún bò, hủ tiếu, mì, gỏi cuốn - Dimsum, cá hồi nướng lá chuối X.O, trứng hồng đào bọc thịt chiên giòn, bò nướng sốt kem hắc tùng lộ, há cảo, mì trường thọ, xá xíu, chè” - anh Thông cho biết thêm.