Giữa muôn sắc Thu, đậm màu Hà Nội, ở một góc phố Hà thành, Ngon Sài Gòn chọn một không gian thu rất khác, đó là Trung thu của một Sài Gòn xưa giữa lòng Hà Nội.
“Chúng tôi không chỉ mang đến những phong vị chân thực của các món ăn từ vùng đất phương Nam, mà cả một nền tinh hoa trong văn hóa ẩm thực Nam Bộ, cùng những nét đời sống tinh thần, tập tục, phong cách của người Nam” - chị Hạnh Phạm, nhà sáng lập của Ngon Sài Gòn chia sẻ.
Đón mùa trăng mới, Ngon Sài Gòn đã dựng lại hình ảnh của một mùa trăng đậm màu ký ức, còn vẹn nguyên trong nỗi nhớ của nhiều người con sinh ra và lớn lên từ vùng đất phương Nam.
1000 chiếc đèn lồng giấy rực rỡ sắc màu đã được nhân viên nhà hàng cùng nhau làm thủ công và tự trang trí trong suốt cả tuần. Bên cạnh sắc màu chủ đạo của đèn lồng giấy, nhà hàng cũng sử dụng đèn giấy bóng đỏ truyền thống, với hình cá chép, bươm bướm, thỏ ngọc, ông sao, tàu bay, 12 con giáp, đặc trưng tiêu biểu cho ngày Tết đón trăng của người Nam.
Ngay lối cổng vào, giữa khuôn viên khu vườn, len lỏi trong khung, cùng những mảng cây đang miệt mài leo lên, là những chiếc đèn lồng giấy gió, nhìn xa như những quả bóng tròn. Biểu tượng tròn trịa của mùa trăng, tròn cả của những ước mơ, khát vọng…
Khu vực điểm đến check-in được yêu thích, chính là khoảng trời với những chiếc ô rực rỡ sắc màu, đặc biệt lung linh huyền ảo khi đêm về. Những chiếc ô gợi về một Sài Gòn với hai mùa mưa nắng. Mưa chợt đến, nắng cũng chợt đi. Một Sài Gòn rực rỡ phồn hoa, nhưng cũng đầy giản dị, mộc mạc tình người. Một Sài Gòn rất thơ, rất tình, mộc mạc nhưng cũng đầy diễm lệ. Nét của một Sài Gòn như thế, đã được đưa về trong lòng phố của Hà Nội thu nay.
“Trong ký ức của tôi, trung thu là cả một chuỗi những mong chờ, háo hức và được diễn ra suốt cả 3 tuần. Ngày trăng tròn sáng nhất, chính hội đêm rằm là đương nhiên rồi, nhưng có lẽ vui nhất phải kể đến những ngày trước đó.
Mẹ sẽ dành dụm đèn cầy, người Bắc thì gọi là cây nến, chuẩn bị từ nhiều tháng trước. Bà thì chuẩn bị sẵn giấy, để gấp đèn lồng. Qua ngày rằm tháng 7, bà mới mang ra. Bọn trẻ ngồi xúm quanh bà, chăm chú nghe cách gấp giấy, gấp đèn, rồi nối thành một khối.
Những chiếc đèn đủ màu sắc ra đời, có chiếc đèn tròn, và cả những đèn còn méo. Bà và mẹ sẽ bảo chiếc nào cũng đẹp, cũng vui. Một sợi dây kẽm được thả vào trong, trên để kéo chiếc đèn lồng tòng teng, trong thì để thả đèn cầy. Cứ tối đến là đám trẻ trong xóm kéo nhau đi rước đèn như thế. Ánh sáng nhỏ từ đèn cầy, lấp lánh giữa màn trời tối đen như mực của vùng quê, trong tiếng côn trùng kêu khắc khoải.
Vầng trăng của Sài Gòn như thế, sống mãi trong ký ức tuổi thơ tôi, nay đã được tái hiện một phần trong những chiếc đèn lồng giấy tại không gian của nhà hàng Ngon Sài Gòn" – anh Phạm Quang Tuấn Huy – Giám đốc sáng tạo, phụ trách ý tưởng, đại diện nhà hàng chia sẻ.
Thêm một góc checkin được các khách hàng nữ đặc biệt yêu thích chính là khu vực quầy may mặc, cùng những chiếc áo dài kèm phụ kiện, mang hơi hướng của cô Ba Sài Gòn. Có nhiều tích kể lại về các cô Ba, cô Ba Trà, cô Ba Thiệu.. Nhưng tựu trung lại, cô Ba Sài Gòn không hẳn được dựa trên hình mẫu nhân vật chính nào, mà là biểu tượng chung cho sự xinh đẹp, phóng khoáng và cũng đầy khí chất của người con gái Sài Gòn. Rất nhiều bộ ảnh đặc biệt lưu lại những kỷ niệm mùa trăng 2024 đã được các khách hàng của Ngon Sài Gòn lưu lại rất dễ thương.
“Vào đúng đêm rằm tháng 8, giữa sân nhà, mẹ sẽ đặt một mâm cúng. Người Nam gọi là Lễ cúng trăng. Dù ít hay nhiều, nhưng nhất định phải có bánh mặt trăng, còn gọi là bánh in, hình tròn, màu trắng. Trái cây quanh miệt vườn nhà, có bòn bon, trái bưởi, trái quýt, chuối cau.. Nhà sang thì có thêm bánh trung thu, bánh Pía. Đúng thời khắc nhìn thấy trăng lên, ba sẽ châm một ấm trà, thắp hương và cúng trăng. Có năm đêm trăng mưa, trẻ con, người lớn, chờ hoài, chờ mãi. Nhất định phải nhìn thấy ông trăng, thì ba mới cúng. Ba có cúng xong mới được ăn bánh, mà có ngớt mưa, trẻ con cũng mới đi rước đèn. Nên là mong nhất khi trung thu, chính là trời đừng mưa nữa. Những ước mơ nhiều khi cũng giản dị vậy thôi..”- Những mảnh ký ức về những mùa trung thu từ anh Phạm Quang Tuấn Huy, một người con của vùng đất phương Nam, cùng chúng tôi dựng xây lên một Ngon Sài Gòn giữa lòng Hà Nội, cứ ấn tượng mãi trong tôi như thế - chị Hạnh Phạm chia sẻ.