Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rồng "carton" của các cô giáo vùng cao Quảng Ngãi

Hà Phương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Từ bìa carton, thùng giấy... các cô giáo mầm non ở huyện miền núi Sơn Hà đã tạo thành linh vật rồng để học sinh trải nghiệm, khám phá.

Với sự sáng tạo và đôi tay khéo léo, các cô giáo Trường mầm non Họa Mi (thị trấn Di Lăng, huyện Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi) đã tận dụng các vật liệu đơn giản, thân thuộc để tạo thành linh vật rồng và trang trí tiểu cảnh đón Tết.

Cô giáo dùng bút vẽ thêm các chi tiết cho phần đầu của rồng.
Cô giáo dùng bút vẽ thêm các chi tiết cho phần đầu của rồng.

Trong đó, linh vật rồng được tạo hình khá uyển chuyển, cao khoảng 1,5m, dài gần 2m với đầy đủ đầu đuôi, thân mình, chân, vảy, vây... bằng bìa carton, thùng giấy.

Để làm ra "rồng", các cô giáo phải tranh thủ buổi trưa và cuối buổi chiều cắt, dán, tạo hình... với mong muốn sẽ có thành quả thật sinh động, giúp các em học sinh ở miền núi có những hình dung nhất định về linh vật của năm. 

Các cô giáo tranh thủ buổi trưa và cuối buổi chiều để làm linh vật rồng.
Các cô giáo tranh thủ buổi trưa và cuối buổi chiều để làm linh vật rồng.

“Việc tái hiện rồng nhằm mục đích để các con có dịp quan sát, khám phá về đặc điểm của con rồng và được biểu tượng ý nghĩa của Tết năm Giáp Thìn 2024. Qua đó cũng giáo dục cho các con ý thức, trách nhiệm, giữ gìn những phong tục, nét đẹp văn hóa của ngày Tết cổ truyền, góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam”, cô giáo Trần Thị Kim Mai chia sẻ.

Phần vảy rồng được tạo hình tỉ mỉ và công phu.
Phần vảy rồng được tạo hình tỉ mỉ và công phu.

Theo Hiệu trưởng Trường Mầm non Họa Mi Trần Thị Thúy Kiều, trường gồm 1 điểm chính là 4 điểm lẻ với tổng cộng 390 học sinh, trong đó tại các điểm lẻ, 100% là con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số H’re.

Các giáo viên của nhà trường đã tận dụng bìa carton, keo dán để tái hiện linh vật rồng, nhằm tạo không khí Tết đến xuân về cho các em học sinh vùng cao.

Linh vật rồng khi hoàn thiện.
Linh vật rồng khi hoàn thiện.

“Trong số các linh vật, chỉ có rồng là không có trong thực tế nên rất xa lạ với trẻ em. Các cô muốn dịp này làm một con rồng để các con trải nghiệm, khám phá và tạo không khí vui tươi để các bé đón Tết. Việc này cũng xuất phát từ quan điểm giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, phát huy tính tích cực, khả năng sáng tạo của trẻ”, cô Kiều bày tỏ.

Cô giáo và học sinh trường mầm non trường mầm non Họa Mi chụp ảnh lưu niệm với linh vật rồng và tiểu cảnh.
Cô giáo và học sinh trường mầm non trường mầm non Họa Mi chụp ảnh lưu niệm với linh vật rồng và tiểu cảnh.

Bên cạnh linh vật rồng, nhà trường còn phối hợp với phụ huynh tìm kiếm tre, lá, giấy... để làm các gian hàng chợ quê, tạo không gian phiên chợ tết xưa; tạo hình các món ăn ngày tết như bánh bó, bánh tét, bánh chưng, vẽ thư pháp, trang trí cây mai, đào…

Bên cạnh rồng, điểm trang trí Tết còn có quạt, bánh chưng, bánh tét... được làm từ giấy màu.
Bên cạnh rồng, điểm trang trí Tết còn có quạt, bánh chưng, bánh tét... được làm từ giấy màu.

Hình ảnh linh vật rồng và tiểu cảnh của Trường Mầm non Họa Mi khi hoàn thành đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội facebook và nhận được rất nhiều lời khen ngợi, đặc biệt là rồng "carton" như: "rồng đẹp quá, các cô thật khéo tay", "các cô giỏi quá", "con rồng rất đẹp", "10 điểm cho các cô giáo trường Họa Mi"…