Lễ hội là dịp khẳng định hình ảnh ”Hà Nội điểm đến thân thiện, an toàn, chất lượng và hấp dẫn”. Ảnh: Lại Tấn |
Tối 27/6, lễ hội đường phố “Hà Nội – điểm đến xanh” diễn ra với sự tham gia của 3.000 nghệ sĩ, diễn viên, nghệ nhân, người thực hành di sản văn hóa phi vật thể. Đây là lễ hội đường phố đầu tiên, cũng là hoạt động văn hóa lớn nhất tại phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận được tổ chức sau khi dịch Covid-19 được khống chế. Chính vì vậy, người dân Thủ đô rất hào hứng hòa mình vào các tiết mục văn hóa, nghệ thuật.
Tối 26/6, Ban quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò đã công bố hành trình trải nghiệm về đêm vào dịp cuối tuần với tên gọi ''Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt''. Để bảo đảm không khí trang nghiêm, tĩnh mịch về đêm, mỗi đoàn sẽ được tách ra và giới hạn không quá 20 - 25 người. |
Điểm khác biệt tại lễ hội diễu hành đường phố năm nay so với mọi năm là sự xuất hiện của đội ngũ thuộc khối tuyến đầu chống dịch gồm các y, bác sĩ, bộ đội, công an, cựu chiến binh, dân phòng. Chị Nguyễn Thị Huyền (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Lễ hội văn hóa đường phố lần này không chỉ hoành tráng mà gia đình tôi còn được trải nghiệm nhiều tiết mục trình diễn văn hóa, di sản văn hóa phi vật thể của Thủ đô. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi được tận mắt thấy các "chiến binh" phòng chống dịch. Cảm xúc vừa vui, vừa tự hào”.
Những cảm xúc gần gũi, vui tươi đó đến từ việc các diễn viễn, nghệ sĩ đem đến những tiết mục thân thuộc với công chúng Thủ đô. Ấn tượng không kém là những màn biểu diễn đặc sắc của các nghệ nhân đến từ khối dân gian với các di sản phi vật thể: Múa bồng, múa bài bông, múa chũm choẹ... Khối trình diễn đèn hoa, xe đạp hoa, múa gốm, múa sen, múa nón, múa lụa... vinh danh những nghề truyền thống hay những nét đẹp văn hóa của Thủ đô đã đi vào thơ ca, tâm thức nhiều thế hệ yêu Hà Nội.
Bên cạnh hình ảnh nghệ sĩ, nghệ nhân trình diễn văn hóa truyền thống, công chúng Thủ đô còn thấy lực lượng thể thao thành tích cao với các đại diện tiêu biểu của bộ môn wushu, karate, taekwondo và các màn trình diễn áo dài truyền thống, áo dài cách tân, đi cà kheo, xiếc tung hứng, biểu diễn xe đạp, trượt patin, ảo thuật đường phố. Các màn trình diễn xen lẫn giữa quá khứ và hiện tại, cuộc hội ngộ của truyền thống và đương đại khiến người dân cảm nhận được bức tranh văn hóa giàu màu sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Điểm nhấn di sản văn hóa Hà Nội
Hòa mình trong không gian sự kiện "Quảng bá điểm đến văn hóa du lịch Hà Nội 2020", người dân Thủ đô và du khách còn được tìm hiểu những điểm đến như Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò và các danh lam thắng cảnh tiêu biểu của Hà Nội. Chị Lê Phương Nga (Thái Bình) chia sẻ: “Tôi rất bất ngờ khi đến Hồ Gươm cuối tuần qua, và được tham gia nhiều hoạt động vui chơi, giải trí. Tôi nghĩ sau khi có những cảm nhận thú vị tại phố đi bộ, gia đình tôi sẽ tiếp tục tìm hiểu các di tích, danh lam thắng cảnh của Hà Nội”.
Trong bối cảnh Việt Nam chưa đón được khách du lịch quốc tế, mục tiêu của Hà Nội hiện nay là khai thác khách trong nước bằng những sản phẩm du lịch mới và hấp dẫn. Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội Trần Trung Hiếu chia sẻ: “Hà Nội là Thủ đô với bề dày truyền thống, có nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể. Bằng việc tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, Hà Nội đang kích cầu du lịch nội địa”. Là trung tâm du lịch lớn của Việt Nam, một trong những địa điểm thu hút nhiều khách du lịch nội địa và quốc tế, Hà Nội đã và đang khẳng định thương hiệu điểm đến giàu bản sắc văn hóa, thân thiện, an toàn sau khi dịch Covid-19 được khống chế hiệu quả.
Trong khuôn khổ sự kiện "Quảng bá điểm đến văn hóa du lịch Hà Nội 2020" người dân còn được hòa mình vào lễ ra quân tuyên truyền Quy tắc ứng xử, triển lãm ảnh thời sự nghệ thuật ''Việt Nam phòng, chống dịch Covid-19'' hay các hoạt động quảng bá nét đẹp văn hóa khác của Hà Nội. Với bề dày văn hóa ngàn năm, văn hóa Hà Nội sẽ mãi mang giá trị trường tồn và hấp dẫn với du khách.