Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rủi ro cao nếu thiếu hỗ trợ pháp lý

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Không thể phủ nhận những cơ hội lớn mà Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) mang lại cho các doanh nghiệp (DN) Việt Nam. Tuy nhiên, nếu DN không có thực lực, không am hiểu quy định và pháp luật quốc tế sẽ gặp rất nhiều rủi ro, thậm chí mất chỗ đứng ngay tại "sân nhà".

Phóng viên báo Kinh tế & Đô thị đã có cuộc trao đổi với ông Kiều Tiến Anh - Tổng Giám đốc Cổng Thương mại điện tử Việt Nam (Vietnamnay.com), xoay quanh những vấn đề này.

Thưa ông, hiện vẫn còn khá nhiều ý kiến tỏ ra "dè chừng" với việc tham gia TPP. Ông có chia sẻ mối lo ngại này?

- Đàm phán TPP gồm nhiều đối tác quan trọng của Việt Nam như: Mỹ, Nhật Bản, Canada, Australia... Nhìn tổng thể thì hầu hết các ngành hàng xuất khẩu chính của Việt Nam đều được hưởng lợi từ TPP vì khi Hiệp định có hiệu lực, 90% các dòng thuế sẽ được giảm về 0%, tăng sức cạnh tranh của hàng Việt Nam xuất khẩu so với các nước không tham gia TPP.
Chế biến hàng xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre.     Ảnh: Huy Hùng
Chế biến hàng xuất khẩu tại Công ty CP Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre. Ảnh: Huy Hùng
 
Tuy nhiên, đây là vấn đề có tính hai mặt, chúng ta cần lường trước để giảm thiểu các khó khăn, thách thức. Ví dụ như trong lĩnh vực thương mại điện tử, khi bỏ rào cản phi thuế quan thì các DN phải tuân theo "luật chơi" của TPP, phải có luật sư, bộ phận chuyên trách am hiểu các cam kết về thương mại điện tử trong TPP.

Theo ông, với thực lực hiện nay, các DN Việt Nam đã đủ sức tham gia vào các khu vực thương mại tự do hay chưa?

- TPP là hiệp định mới đòi hỏi yếu tố nguồn nhân lực của DN là rất cao. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết với Việt Nam là phải nhanh chóng nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Như hiện nay, nhu cầu có luật sư am hiểu luật thương mại trong nước và quốc tế hỗ trợ DN là rất lớn, song thực tế, số luật sư này không nhiều. Riêng luật sư về thương mại điện tử rất ít, khi DN tiếp cận công nghệ mới, kỹ thuật mới nếu không có luật sư tư vấn sẽ lúng túng, không tiếp nhận thì không theo kịp xu hướng của thế giới mà tiếp nhận thì không biết xử lý sao cho phù hợp với quy định, luật pháp quốc tế.

Mặc khác, bản thân các DN Việt Nam cũng chưa chú trọng đến bộ phận pháp chế, nhiều DN hoàn toàn làm "tắt", không có luật sư tư vấn. Trong khi đó, cơ sở hạ tầng pháp lý cũng chưa thực sự hoàn thiện và minh bạch, đang là rào cản đối với quá trình hội nhập.

Theo ông, các DN cần trang bị những công cụ gì để hạn chế những rủi ro từ TPP?

- Khi thành lập DN, ở nước ngoài họ luôn có luật sư tư vấn để biết rõ lĩnh vực mình đầu tư kinh doanh có vướng quy định nào không, có vi phạm sở hữu trí tuệ hay không. Tuy nhiên, ở Việt Nam, phần lớn DN thành lập một cách ào ào, không cần tư vấn, không có bộ phận hỗ trợ về pháp lý. Do vậy, khi Việt Nam gia nhập TPP, hoặc khi DN liên doanh, liên kết với nước ngoài xảy ra tranh chấp, hay có vướng mắc sẽ gặp nhiều rủi ro, thiệt hại. 

Tôi cho rằng, để tận dụng thật tốt các cơ hội, DN cần chủ động nắm bắt thông tin, các cam kết cụ thể liên quan đến ngành hàng, sản phẩm của mình, trang bị thật tốt các công cụ hỗ trợ pháp lý để bảo vệ mình.

- Xin cảm ơn ông!