Lượng khách là trẻ em đến với “Rước trăng chơi phố 2016” trong 2 ngày 10 và 11/9 được ước tính gấp rưỡi, thậm chí là gấp đôi năm trước. Trẻ thành phố vẫn thích “trông trăng” Trong không gian rộng mấy chục héc ta của công trình văn hóa có kiến trúc thuộc top đầu thế giới chào đón thiếu nhi bằng những chiếc đèn kéo quân, đèn ông sao… giăng mắc từ lối cổng vào. Và điều quan trọng ở vẻ ngoài rực rỡ sắc màu ấy là trẻ em được trải nghiệm những trò chơi dân gian như: Nặn tò he, đan giỏ thị, kéo co, nhảy dây, chạy ba chân, bịt mắt đập niêu, nhảy bao bố, bắt chạch trong chum. Ngoài ra, dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân, các em tự tay làm đèn ông sao, đèn kéo quân, mặt nạ giấy bồi, đầu sư tử, làm bánh nướng, bánh dẻo, bánh rán nước Đường Lâm, bánh tẻ Sơn Tây…
Lên 6 tuổi, bé Hương Ly (quận Thanh Xuân) thoăn thoắt chọn từng mảng giấy màu đã được các nghệ nhân chuẩn bị trước để dán lên chiếc đèn ông sao của mình. Mẹ của Hương Ly cho biết: “Đây là năm thứ 2, tôi dẫn con mình đến chơi Trung thu tại Bảo tàng Hà Nội. Lý do tôi chọn nơi này không chỉ vì nơi đây có không gian rộng rãi, thoáng mát mà các trò chơi chỉ là của Trung thu truyền thống, không tạp nham nửa Tây nửa ta như một số nơi khác. Một năm mới được làm đèn ông sao với nghệ nhân một lần nên con tôi rất thích”. Đêm chính hội của lễ hội Trung thu “Rước Trăng chơi phố 2016” là tối 11/9. Phụ huynh và các em nhỏ tất bật chuẩn bị những mâm cỗ Trung thu để cùng nhau cảm nhận không khí phá cỗ cộng đồng. Tối 11/9, các em nhỏ cùng được múa lân, múa rồng truyền thống do các nghệ sĩ đến từ thôn Đông Sàng, xã Đường Lâm, Sơn Tây biểu diễn. Ngoài ra, các em nhỏ còn được tham gia rước đèn, rước mâm cỗ Trung thu cũng như không thể thiếu màn phá cỗ. Nghệ nhân tạo nên thương hiệu sân chơi 78 tuổi, nghệ nhân Nguyễn Văn Quyền (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai) được trẻ em mệnh danh là người lưu giữ tuổi thơ mỗi dịp Trung thu đã trực tiếp hướng dẫn các em nhỏ làm đèn kéo quân. Nghệ nhân Quyền cho biết: “10 năm trước, cái nghề làm pháo bông và đèn kéo quân của làng Đàn Viên tưởng “chết”. Đến nay, vào mỗi dịp Trung thu, tôi không chỉ làm đèn theo các đơn hợp đồng cho các đơn vị, mà còn cùng vợ con, anh em họ hàng đến Bảo tàng Hà Nội hướng dẫn các cháu làm đèn. Mỗi dịp như thế này, có 300 - 400 chiếc đèn được làm ra từ chính bàn tay của các em nhỏ”. Không chỉ đèn kéo quân, toàn bộ các trò chơi dân gian diễn ra tại Bảo tàng Hà Nội vào các dịp Trung thu đều do các nghệ nhân làng nghề hướng dẫn du khách thực hiện. Nếu như bánh dẻo do nghệ nhân Mai Ngọc Lan thực hiện, thì ở sân chính tầng 1 của Bảo tàng, nghệ nhân Nguyễn Đức Hòa (Hàng Than) cùng các em tô mặt nạ giấy bồi. Đặc biệt, suốt 2 ngày diễn ra sự kiện, 27 nghệ nhân làm rồng tre ở Đường Lâm đã “ăn, ngủ, nghỉ” tại Bảo tàng để tạo hình con rồng truyền thống cho các em nhỏ rước rồng, trông trăng tối 11/9.
Bắt đầu từ năm 2015, “Rước trăng chơi phố” đã được đánh giá là chương trình thương hiệu của Bảo tàng Hà Nội mỗi dịp Rằm tháng Tám. Xu hướng tổ chức sẽ mở rộng thêm các hoạt động văn hóa truyền thống dân gian của Hà Nội. “Những năm gần đây, chúng ta bắt đầu quan tâm đến không gian vui chơi cho trẻ nhỏ nhưng đôi khi không gắn văn hóa truyền thống mà là các trò chơi hiện đại. Để văn hóa không bị mai một, các cơ quan bảo tồn di sản nên đưa trò chơi của các làng nghề truyền thống vào để các con cảm nhận từ lúc còn trẻ thơ. Tôi nghĩ rằng chưa muộn để chúng ta làm thay đổi nhận thức” - Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà chia sẻ. Dự kiến, cuối năm 2016, tại khu vực ngoài trời của Bảo tàng Hà Nội sẽ tái dựng các mô hình hoạt động của làng nghề truyền thống Hà Nội. “Trong khi chờ trưng bày cố định bên trong Bảo tàng thì thêm các loại hình trải nghiệm làng nghề truyền thống Hà Nội cũng sẽ là hình thức hấp dẫn du khách cho Bảo tàng” - ông Đà cho biết.
Trẻ em thích thú với những chiếc tò he bắt mắt. |
Trẻ học làm đèn kéo quân tại Bảo tàng Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng |