Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Rút bảo hiểm xã hội một lần - lợi ít, thiệt nhiều

Bài, ảnh: Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam từ năm 2016 - 2020, đã có trên 3,7 triệu người chọn hưởng chính sách BHXH một lần; mỗi năm trung bình gần 750.000 người rời khỏi hệ thống, chiếm trên 5% tổng số người tham gia.

Gia tăng số người rút BHXH một lần

10 tháng năm 2021, số người rút BHXH một lần gấp 1,5 lần so với 6 tháng đầu năm 2021 và tăng gần 5,5% so với cùng kỳ năm 2020. BHXH Việt Nam đánh giá đây là thực tế đáng lo ngại, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động, kinh tế - xã hội cũng như chính sách an sinh. Theo quy định của pháp luật hiện hành, tổng mức đóng BHXH vào quỹ hưu trí, tử tuất là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của người lao động. Trong đó, người lao động đóng 8%, và người sử dụng lao động đóng 14%, tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương.
 Người lao động làm thủ tục BHXH.
Nếu lao động hưởng BHXH một lần thì mức hưởng mỗi năm đóng BHXH chỉ bằng 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng trước năm 2014, và bằng 2 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi. Như vậy, nếu lĩnh BHXH một lần, người lao động sẽ mất đi khoảng 1,14 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH trước năm 2014, và khoảng 0,64 tháng lương đối với mỗi năm đóng BHXH sau năm 2014.

Hưởng BHXH một lần có thể đáp ứng được tài chính trước mắt, song sẽ lấy đi các tầng an sinh về chế độ hưu trí, bảo hiểm y tế, tử tuất. Về lâu dài, tỷ lệ lớn người già không có lương hưu sẽ tạo áp lực lớn cho xã hội khi phải bố trí nguồn lực để bảo đảm an sinh. Thống kê hiện nay trên 60% người cao tuổi Việt Nam không có lương hưu.

Không nên “đóng khung” tuổi hưởng lương hưu

Biện pháp hiện nay là sửa luật, rút ngắn thời gian đóng BHXH tự nguyện và đa dạng hóa hình thức tham gia để giữ chân người lao động, tránh tình trạng hưởng BHXH một lần. Tại kỳ họp Quốc hội vừa qua, vấn đề BHXH đã được đưa ra thảo luận. Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho biết một trong những nội dung quan trọng của việc sửa đổi Luật lần này, là xem xét về việc giảm thời gian đóng BHXH để hưởng lương hưu ở mức tối thiểu từ 20 năm như hiện nay, xuống còn 15 năm, thậm chí là 10 năm. Do đó, những ai có ý định rút BHXH một lần cần cân nhắc vào giai đoạn này.

Ngoài ra, còn có một trường hợp khác, đó là trường hợp người lao động đã nghỉ việc, chưa đủ tuổi nghỉ hưu, nhưng đã đủ 15 năm đóng BHXH. Nếu như không có nhu cầu cấp thiết, người lao động cũng không nên rút BHXH một lần, mà nên bảo lưu thời gian đóng để đợi đủ tuổi nhận lương hưu (trước đây, người lao động thuộc trường hợp này cần phải tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện để đủ 20 năm đóng BHXH). Nhìn chung, dù ở trường hợp nào, thì việc giảm số năm đóng BHXH để nhận lương hưu cũng có lợi cho người lao động, giúp người lao động dễ dàng tiến tới cơ hội được nhận lương hưu hơn.

Theo nguyên Viện trưởng Viện Khoa học - Lao động và Xã hội Nguyễn Thị Lan Hương, thực tế hiện nay những quy định về thời gian tham gia đóng BHXH và tuổi nghỉ hưu còn đóng khung cứng nhắc, chưa thuyết phục, hấp dẫn đối với người tham gia BHXH. Điều khó khăn đối với nhiều người là số tiền đóng đã quy định cứng, không linh hoạt theo đúng thu nhập thực tế. Do đóng tiền thấp nên khi về già tiền nhận cũng thấp, không đủ đáp ứng nhu cầu chi tiêu trong cuộc sống. Thời gian được hưởng BHXH cũng theo tuổi nghỉ hưu là quá dài đối với những người lao động có công việc nặng nhọc.

Vì thế, để người lao động được vui hưởng cuộc sống khỏe mạnh, an nhàn sau những năm tháng cống hiến sức lực, tuổi trẻ cho công việc thì rất cần sự thay đổi trong việc quy định đóng BHXH và thời gian về hưu. Người lao động được đóng tiền thực tế theo thu nhập hàng tháng, theo yêu cầu. Người đóng tiền nhiều sẽ được hưởng nhiều, không lo thiếu tiền khi về già. Thời gian được hưởng BHXH cũng rút ngắn hơn, linh hoạt theo từng hoàn cảnh cụ thể chứ không áp cứng theo Luật Lao động.

"Đề xuất của Bộ LĐTB&XH rút ngắn thời gian tham gia đóng BHXH tối thiểu xuống còn 15 năm, rồi đến 10 năm, là một đề xuất tiến bộ, đề cao quyền con người, thể hiện tư tưởng vì quyền lợi người dân, và nó sẽ tạo động lực cho người lao động phấn đấu làm việc để nhận lương hưu. Việc đề xuất giảm số năm đóng bảo hiểm xuống còn là cơ hội để người lao động chọn lựa nghề phù hợp khi đủ điều kiện hưởng lương hưu, hoặc vẫn có thể làm các công việc khác khi về nghỉ chế độ để tăng thu nhập." - Ông Đặng Đình Lộc - cán bộ hưu trí ở quận Hai Bà Trưng- Hà Nội