Trưng bày giới thiệu 150 sản phẩm của 10 nghệ nhân gốm nổi tiếng, thuộc nhiều dòng gốm khác nhau của làng gốm Bát Tràng như: Nghệ nhân Trần Độ với dòng gốm men rạn hoa nâu, lục bào và hoàng lưu ly; nghệ nhân Vũ Cường với dòng men rạn, đắp nổi; nghệ nhân Lê Văn Khánh với dòng gốm men chàm lam; nghệ nhân Trần Văn Khánh với dòng men rạn và ám họa; nghệ nhân Hà Văn Long với dòng men lam trắng; nghệ nhân Phạm Đạt nổi tiếng với dòng men rạn đàn; nghệ nhân Đỗ Tùng Mậu nổi tiếng với dòng men gốm son đỏ; nghệ nhân Phạm Thế Anh với dòng men gốm hồng sa; nghệ nhân Trần Nam Tước với dòng men đa sắc; nghệ nhân Nguyễn Danh Tú với dòng men thấu quang.
Theo ông Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám: “Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 được tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Trưng bày sẽ mang đến cho công chúng Thủ đô và khách tham quan di tích tinh hoa của làng gốm Bát Tràng với những sản phẩm đã để lại dấu ấn không chỉ ở trong nước mà vươn xa ra nhiều nước trên thế giới. Sự hiện diện của gốm Bát Tràng tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám trong trưng bày này là sự kết nối các giá trị văn hóa của Thủ đô Hà Nội, giữa truyền thống và hiện đại, giữa văn hóa vật thể và phi vật thể… và đem đến cho du khách một hình ảnh Hà Nội giàu bản sắc”.