Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Hôm qua, các tập đoàn Mattel, Johnson & Johnson và ngân hàng Goldman Sachs đều công bố kết quả kinh doanh quý 3 vượt dự báo của giới phân tích. Điều này đã khiến thị trường phấn chấn hơn sau khi đã có được một phiên đầu tuần hồi phục khá mạnh.
Kết quả lợi nhuận khả quan của một số tập đoàn lớn được công bố trong ngày 16/10 đã giúp các chỉ số chính của thị trường chứng khoán Mỹ nhảy vọt. Đáng chú ý, lần đầu tiên kể từ ngày 13/9, Dow Jones tăng 3 con số.
Nguyên nhân cho sự hứng khởi này là việc hãng xếp hạng tín dụng Moody's quyết định không hạ mức tín nhiệm của Tây Ban Nha cùng các số liệu kinh tế tích cực của Mỹ.
Đêm trước tại Phố Wall, chứng khoán Mỹ cũng có một phiên tăng mạnh nhất kể từ đầu tháng 10 tới nay, nhờ các báo cáo kết quả kinh doanh sáng sủa của các hãng lớn như Mattel, Coca-Cola và Johnson & Johnson, cũng như của Citigroup (sau khi CEO của ngân hàng này từ nhiệm).
Các báo cáo lợi nhuận tốt hơn kỳ vọng của một loạt doanh nghiệp lớn, cùng sự hồi phục của các cổ phiếu hàng đầu như Apple (2,4%), Intel (2,9%) và Caterpillar (2,6%), cũng góp phần nâng điểm số tăng lên.
Kết thúc phiên giao dịch 16/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng vọt 127,55 điểm, tương ứng 0,95%, lên 13.551,78 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 14,79 điểm, tương ứng 1,03%, lên mức 1.454,92 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 36,99 điểm, tương ứng 1,21%, lên mức 3.101,17 điểm.
Khối lượng giao dịch tăng mạnh hơn các phiên trước, với 6,2 tỷ cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả ba sàn New York, American và Nasdaq, nhưng vẫn thấp hơn mức trung bình năm nay là 6,51 tỷ cổ phiếu. Trên sàn New York, số cổ phiếu tăng vượt số giảm với tỷ lệ hơn 3/1. Tỷ lệ này trên sàn Nasdaq là 2/1.
Một thông tin khác cũng có ảnh hưởng khá mạnh tới thị trường chứng khoán Mỹ đêm qua là chỉ số niềm tin của các doanh nghiệp xây dựng nhà ở đã tăng lên mức cao nhất kể từ năm 2006, cho thấy ngành công nghiệp xây dựng của nền kinh tế đầu tàu thế giới đang hồi phục mạnh trở lại.
Theo nhiều chuyên gia phân tích, bức tranh kinh tế Mỹ qua những số liệu được công bố trong ngày hôm qua đã có phần tươi tắn hơn. Và đây chính là lý do tốt để các thị trường hàng hóa như chứng khoán có điểm tựa tăng giá.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, thị trường chứng khoán châu Âu cũng "nô nức" đi lên với các mức tăng mạnh mẽ khi giới đầu tư hy vọng Tây Ban Nha sẽ yêu cầu một phần trợ giúp quốc tế trong khi niềm tin vào tình hình Hy Lạp cũng được cải thiện. Một quan chức cấp cao của Tây Ban Nha vào cuối ngày 15/10 đã "bật mí" rằng Madrid đang cân nhắc yêu cầu một gói tín dụng mới từ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM).
Ngoài ra, niềm tin của giới đầu tư tại Đức tăng tháng thứ hai liên tiếp trong tháng 10 cũng khiến tâm lý thị trường thêm phấn chấn.
Đóng cửa phiên 16/10, cả ba chỉ số chính của châu Âu đều tăng mạnh, trong đó FTSE 100 của Anh tăng 1,12% lên 5.870,54 điểm; DAX 30 của Đức vọt 1,58% lên 7.376,27 điểm và CAC 40 của Pari nhảy 2,36% lên 3.500,94 điểm.
Tiếp nối đà tăng tưng bừng trên các sàn chứng khoán châu Âu và Mỹ phiên trước (16/10), chứng khoán châu Á mở cửa phiên 17/10 cũng đồng loạt đi lên, với cả ba chỉ số chính trong khu vực đều xanh ngắt.
Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,30% (6,33 điểm) ngay từ những phút giao dịch đầu tiên. Tương tự, Hang Seng của Hong Kong và Nikkei 225 của Nhật Bản cũng vọt lần lượt là 0,91% (191,93 điểm) và 1,33% (115,57 điểm).